Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Mỹ: 30% người dùng Facebook để theo dõi tin tức

Một khảo sát mới từ Pew Research cho thấy rằng trong 64% người Mỹ trưởng thành có sử dụng mạng xã hội Facebook, ngoài ra số người sử dụng mạng xã hội này để theo dõi các tin tức chiếm 30%.

Con số này cao hơn nhiều so với các kênh truyền thông khác như YouTube với 10%, Twitter là 8%.
Với số lượng người dùng khổng lồ đang có, các mạng xã hội hiện đã chú trọng tập trung vào việc lan truyền tin tức. Facebook đã cập nhật tính năng gợi ý tin tức liên quan khi người dùng lướt qua một tin được chia sẻ. Tuy tính năng này chưa thực sự hoàn hảo nhưng hứa hẹn trong tương lai phần lướng thông tin người dùng có được sẽ tới từ những mạng xã hội này.
Biểu đồ phía dưới của Statista cho biết rõ hơn những thông tin mà người dùng thu được từ mạng xã hội:



Làm việc hiệu quả với sinh viên thực tập

Nếu biết khéo léo sử dụng sinh viên sắp tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng trong khóa thực tập ngắn hạn của họ, bạn có thể mang lại cho doanh nghiệp một bầu không khí trẻ trung, vui tươi và năng động.
Tuy nhiên, quá trình hướng dẫn và giám sát sinh viên thực tập tại doanh nghiệp trong thời gian dài chỉ khoảng hai tháng có thể là một thử thách cho các nhà quản trị. Nếu sắp tiếp nhận sinh viên thực tập, bạn nên vận dụng những hướng triển khai sau đây để thu được kết quả khả quan nhất.
Sử dụng mối quan hệ để tìm kiếm những sinh viên thực tập có tiềm năng
Nên quan niệm thu nhận sinh viên thực tập cũng như tiếp nhận nhân viên mới làm việc trọn thời gian tại doanh nghiệp. Ngay từ đầu, bạn phải hiểu rõ vị thế của doanh nghiệp mình so với đẳng cấp của các trường đại học, cao đẳng trong khu vực khi chuẩn bị đón nhận sinh viên thực tập.
Tùy theo lĩnh vực kinh doanh, quy mô tổ chức và số lượng nhân viên, bạn có thể phối hợp với các trường đại học cấp quốc gia hay các trường cao đẳng của địa phương.
Bằng việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên viên quản lý sinh viên tại các trường, bạn giúp họ hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp mình và đề xuất yêu cầu đối với sinh viên thực tập cho phù hợp với mong muốn, hoàn cảnh và điều kiện của doanh nghiệp.
Xác lập hướng đi cho người mới
Sau khi đã tuyển chọn được sinh viên thực tập, bạn phải xác định những kỳ vọng cho họ. Cho họ biết rõ cần có thái độ làm việc thế nào, kết quả làm việc sẽ được đánh giá ra sao, có được tưởng thưởng không nếu đạt được thành tích xuất sắc…
Hãy chỉ cho họ người mà họ nên tìm đến để giúp giải quyết những thử thách gặp phải vì hầu hết sinh viên thực tập đều chưa trải qua môi trường doanh nghiệp.
Nhiều nhà quản trị không nhận biết được một sinh viên thực tập cần bao nhiêu thời gian huấn luyện để thực tập tại doanh nghiệp được hiệu quả nhất.
Do quan niệm các sinh viên thực tập không phải là nhân viên làm việc toàn thời gian lâu dài nên nhiều doanh nghiệp không chuẩn bị chương trình đào tạo năng lực cho họ, thậm chí phân công công việc cho họ cũng không rõ ràng. Hãy xác định những nhiệm vụ phù hợp để các sinh viên thực tập thực sự tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, hoàn tất những nhiệm vụ nhà trường đã giao và học hỏi được nhiều điều bổ ích trong quãng thời gian ngắn chỉ hai tháng.
Nên cho họ tham gia vào những dự án đang thực hiện tại doanh nghiệp và khuyến khích họ vận dụng kiến thức vào công việc thực tế. Cũng nên chuẩn bị trước những tài liệu giới thiệu về các vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm hoặc đang thực hiện để chuyển cho các sinh viên thực tập nghiên cứu trước, nhờ đó nhà quản trị sẽ không phải tốn thời gian trình bày.
Giúp sinh viên thực tập cảm thấy hứng thú với tổ chức
Khi các sinh viên thực tập hiểu được nền văn hóa của doanh nghiệp, họ có thể trở thành những người vận dụng nhiệt tình nhất những điểm cốt lõi của nền văn hóa đó. Nếu phát hiện ra sinh viên thực tập có tố chất tốt, giàu năng lực, nên tạo điều kiện cho người ấy học hỏi tại nhiều bộ phận khác nhau để nắm bắt được nhiều thông tin hơn, thấy được giá trị của doanh nghiệp rõ ràng hơn, qua đó sẽ yêu mến doanh nghiệp hơn và có hứng thú làm việc hơn.
Có thể cho phép một nhóm nhỏ sinh viên thực tập tham dự một số cuộc họp để tìm hiểu cơ chế vận hành và cách thức giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Khuyến khích họ tham gia những hoạt động văn thể mỹ, từ thiện, dã ngoại tập thể để tạo niềm hứng khởi mới cho đội ngũ nhân viên và cho chính họ.
Giữ liên lạc
Khi thời gian thực tập chấm dứt, không nên để mất mối quan hệ với họ, nhất là khi bạn muốn tuyển dụng ai đó trong số các sinh viên đã thực tập tại doanh nghiệp của bạn. Đừng quên mời họ tham dự những sự kiện hoặc hoạt động sắp được tổ chức nếu biết rằng họ sẽ đóng góp được ít nhiều tác động tích cực cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hãy giữ kết nối với họ thông qua những phương tiện truyền thông xã hội trong trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung nhân viên mới. Xét cho cùng, những người trẻ có trình độ, lại được chính bạn huấn luyện trong một thời gian hẳn sẽ là các ứng viên đầy tiềm năng cho những vị trí mà doanh nghiệp cần tuyển người

Muốn khởi nghiệp thành công cần có những tố chất gì ?

Rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập không tồn tại quá 5 năm. Để vượt qua giới hạn khó khăn này, nhà sáng lập phải thường xuyên rèn luyện những tố chất cần thiết để hoàn thiện vai trò lãnh đạo doanh nghiệp.
1. Giỏi tuyển dụng và… sa thải
Xây dựng đội ngũ đồng hành là việc vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp mới thành lập. Những nhân viên đầy nhiệt huyết, tài năng và có cùng chí hướng sẽ cùng bạn đưa công ty đến những mục tiêu ấn tượng. Tuy nhiên, giỏi tuyển dụng cũng chưa đủ mà chủ doanh nghiệp cũng cần sáng suốt trong việc sa thải.
Quyết đoán trong các vấn đề nhân sự sẽ tránh cho người sáng lập nhiều thất bại nhãn tiền. Cả nể không giúp công ty bạn tồn tại và phát triển. Bạn cần bước lên phía trước với sự tự tin, thoải mái và một đội ngũ toàn tâm toàn ý.
2. Xây dựng văn hóa trước khi xây dựng công ty
Hầu hết những CEO nổi tiếng, chẳng hạn như Tony Hsied của Zappos, đã định hướng về việc xây dựng văn hóa công ty trước cả khi thành lập. Mỗi nhân viên khi tham gia vào đội ngũ đều nhận thức được rõ ràng sứ mệnh, tầm nhìn và mục đích của mình. Chính văn hóa công ty giúp bạn xây dựng một “lực lượng hùng mạnh” và khác biệt trên thương trường.
3. Biết lắng nghe và hành động
Nhiệm vụ của lãnh đạo không chỉ là lên kế hoạch và chỉ đạo. Kỹ năng lắng nghe cũng đóng vai trò trung tâm. Đặc biệt là trong giai đoạn khởi nghiệp, khi bạn vội vã thành công và có thể là thiếu tỉnh táo thì những lời khuyên và phản hồi luôn có giá trị. Việc tiếp theo bạn nên làm sau khi lắng nghe các ý kiến là bắt tayvào hành động. Chỉ có hành động mới tạo ra sự thay đổi.
4. Kiên trì
AirBnB đã mất 1.000 ngày trước khi chính thức bắt đầu kinh doanh. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu họ bỏ cuộc sau 999 ngày? CEO không chỉ biết cách “đào hầm” mà còn kiên trì cho đến khi tìm được kho báu.
5. Có tầm nhìn
Có vô số CEO tài năng trên thế giới cũng như những công ty khổng lồ trong lĩnh vực mà bạn kinh doanh. Bạn làm thế nào để khẳng định mình trong sân chơi đó? Tầm nhìn sẽ quyết định tất cả. Liệu bạn có sáng tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ khiến khách hàng say mê?
6. Luôn tập trung
Steve Jobs sẽ không để nhóm của mình nghỉ ngơi, nếu chưa xong việc. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để tập trung cao độ cho những công việc đầy thử thách.
7. Nói năng lưu loát
Không có nhà lãnh đạo tài giỏi nào lại gặp khó khăn trong việc trình bày những suy nghĩ của mình. Có thể bạn không có năng khiếu diễn thuyết hùng hồn như Steve Jobs, nhưng ít ra bạn cần biết cách thể hiện rõ ràng, ngắn gọn và chính xác những ý tưởng của mình cho mọi người.
8. Luôn quan tâm đến khách hàng
CEO giỏi là người hiểu sâu sắc những gì khách hàng muốn và cả những gì khách hàng ghét.
9. Giỏi thuyết phục
Ở vai trò lãnh đạo, CEO luôn phải đối phó với các nhóm lợi ích xung đột. Thứ mà khách hàng muốn thì các nhà đầu tư lại không thích. Vì vậy, bạn phải giỏi thuyết phục những người khác đồng thuận với mình, hoặc hơn nữa, là thay đổi cách nhìn và quan điểm của họ,
10. Chú ý đến tiểu tiết
Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập phải tham gia tích cực vào mọi khâu, từ tài chính đến thiết kế. Con thuyền của bạn vừa ra khơi và bạn cần đảm bảo tất cả các thủy thủ sẽ cùng bạn đưa nó đi đúng hướng.
11. Thích ứng nhanh với thay đổi
Các doanh nhân giỏi có khả năng điều chỉnh sản phẩm và mô hình kinh doanh để đáp ứng những thay đổi bất ngờ trên thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng.
12. Tự quyết định nhanh chóng
Giám đốc điều hành của những công ty lớn thường có nhiều thời gian để phân tích sâu trước khi đưa ra quyết định kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì phải liên tục đưa ra những quyết định và lựa chọn mỗi ngày.
13. Có tinh thần cạnh tranh khốc liệt
CEO ưu tú là người luôn muốn giành chiến thắng, luôn muốn có được những hợp đồng lớn, thuê được các nhân viên giỏi và thành công trong tất cả các thương vụ.
14. Can đảm
Mỗi doanh nhân khởi nghiệp, ít nhất phải có đủ can đảm để thành lập doanh nghiệp, kế đến là đủ can đảm để nổi bật, đủ can đảm để đối đầu với đối thủ và đưa ra những quyết định “khác thường”.
15. Hào phóng
Hào phóng ở đây không có nghĩa là chi tiêu rộng rãi. Một CEO hào phóng hiểu rõ tiểu tiết công việc nhưng theo đuổi kết quả vĩ mô, có tầm nhìn khác biệt độc đáo nhưng không ngại dành sự quan tâm chân thành, sẵn sàng hỗ trợ tất cả mọi người xung quanh.

Cách quản lý tiền của cựu thành viên Atomic Kitten

“Tiền không mang lại hạnh phúc nhưng khóc trên sàn nhà bằng đá cẩm thạch vẫn tốt hơn”, nữ ca sĩ Anh từng kiếm tiền từ năm 14 tuổi tâm sự.
Ở tuổi 32 và đã ngừng công việc ca hát chuyên nghiệp từ lâu, Liz McClarnon vừa chia sẻ trên Telegraph một số quan niệm về tiền bạc, nhất là những bài học cô rút ra về việc chi tiêu.
Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động, cô gái trẻ có thời gian đi rửa bát thuê ở các cửa hàng gần nhà mỗi cuối tuần khi mới 13 tuổi. Mẹ cô muốn rằng đây là những bài học giúp con cái hiểu được giá trị của đồng tiền. “Tôi được mẹ dạy rằng phải ra ngoài và làm việc, làm một cách cật lực thì mới có tiền. Sau này khi vào đời, tôi mới thấy rằng những bài học ban đầu đó đã giúp ích rất nhiều trong cuộc sống”, cô ca sĩ kể.
Kiếm được nhiều tiền từ sớm, nhưng Liz McClarnon luôn ý thức về việc tiết kiệm tiền.
Khi vào nhóm nhạc, cô ca sĩ 14 tuổi nhận được thù lao 15 bảng một tuần. 3 năm sau, con số này tăng lên 350 bảng – khá cao so với một người ở độ tuổi như thế.
Năm 1999 khi cô 18 tuổi, Atomic Kitten ra bản thu đầu tiên và nhanh chóng nổi tiếng trên toàn nước Anh. Ba thành viên thu được những khoản tiền khổng lồ nhờ bán được tổng cộng 6,2 triệu đĩa đơn và 4 triệu album khắp toàn cầu. Ban nhạc tan rã năm 2004, nhưng các thành viên, trong đó có Liz vẫn tiếp tục ngày một giàu lên, nhờ tiền bán album, bản quyền phát sóng những năm sau đó.
Có khá khá tài sản so với những người ở cùng độ tuổi, nhưng Liz McClarnon cho biết từ lâu cố gắng từ bỏ ham muốn tiêu tiền. “Dù cảm giác mua sắm gì đó rất tuyệt, nhưng tôi cố gắng dùng tiền bạc một cách khôn ngoan nhất có thể”, cô ca sĩ nói. Thay vì làm một người chi tiêu, Liz McClarnon cố gắng trở thành một người tiết kiệm.
Tuy ý thức tốt trong việc tiết kiệm tiền, kiếm tiền, Liz McClarnon từng gặp một số sai lầm. “Tôi từng có thời thoải mái cho vay, kể cả với những người mình không biết rõ lắm. Tuy nhiên, có vài người lại nghĩ rằng tôi có quá nhiều tiền không cần tính toán nên mượn xong họ lờ luôn việc trả nợ. Đó là bài học mà tôi sẽ không bao giờ quên”, Liz McClarnon kể.
Ngoài ra, cô ca sĩ còn thu về bài học trong cách mua ôtô, sau một lần “vung tay quá trán” thời trẻ. McClarnon nói: “Lúc đó tôi còn rất trẻ, kiếm được nhiều tiền và không quan tâm đến khấu hao giá trị với xe mới. Tôi đã mua một chiếc Audi rất đắt và lập tức nhận ra rằng chiếc xe mới mất giá ngay sau khi bạn sở hữu nó”.
Dù đang là một người khá giả, McClarnon vẫn tiếp tục lên kế hoạch kiếm tiền. Thu nhập của cô hiện nay rất đa dạng, từ ngành âm nhạc, thời trang và nhiều nguồn khác nữa. Ngoài ra, cô sẽ mở một quán bar kiêm nhà hàng – niềm mơ ước ấp ủ từ lâu.
Nói về ý nghĩa của tiền bạc, Liz McClarnon cho rằng tiền không phải là tất cả nhưng cô vẫn phải làm việc chăm chỉ, đảm bảo rằng mình luôn thoải mái nhất về tài chính. “Có một câu nói rất hài hước mà tôi thích về tiền bạc: Tiền không làm bạn hạnh phúc, nhưng khóc trên sàn nhà làm bằng đá cảm thạch vẫn tốt hơn”, Liz McClarnon nói.

Làm giàu từ hoa súng

Ông Văn Trinh (62 tuổi) ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng nổi tiếng nhờ trồng hoa kiểng, bon sai, nổi bật hơn cả là những loại hoa súng Thái Lan màu sắc rực rỡ, tinh khiết.
Một số loại hoa súng Thái Lan hiện nay
Không chỉ cung cấp giống với số lượng lớn ở khu vực miền Trung và các tỉnh phía Bắc, ông còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chính ông đã nhân giống, lai tạo thành công nhiều loại hoa súng có nguồn gốc ngoại nhập. Hoa súng của ông nhập từ Thái Lan. Khác với súng bản địa vốn đẻ nhánh bằng thân ngầm, súng Thái sinh trưởng tùy theo giống. Có loại giống cho hạt từ hoa, loại khác từ lá.
Sau quá trình trồng thử nghiệm, ông Trinh quyết định chọn cách nhân giống bằng hạt. Chọn thời điểm hoa súng vừa tàn, ông khéo léo trích xuất hạt giống con từ quả chín (mỗi quả chứa 500-1.000 hạt). Với phương pháp trộn hạt giống với một ít đất rồi gieo ngay trên lớp bùn mỏng trong bể nước, ông giúp hạt giống chìm xuống bên dưới bề mặt lớp bùn một cách tự nhiên.
Với quy trình này, chỉ 4 ngày sau, hạt đã nẩy mầm. Khi cây giống cao khoảng 20 cm, có 4-5 lá, ông Trinh mang vào chậu trồng. Theo ông Trinh, nếu được cung cấp đủ dinh dưỡng, cây súng sẽ ra hoa sau 1,5-2 tháng. Việc chọn bánh dầu làm phân bón chính cũng giúp súng phát triển tốt và có màu sắc đẹp hơn.
Ông Trinh đã lai tạo thành công 17 loại hoa súng. Đặc biệt, ngoài hoa súng màu trắng tinh khiết nở vào ban đêm, ông còn lai tạo thành công loại nở ban ngày. Tiếng tăm ông Trinh vì thế càng nổi như cồn.
Hoa súng của ông nở quanh năm, rất thích hợp trồng với không gian đô thị. Nhờ quanh năm cho hoa đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc nên cây súng Thái đang rất được ưa chuộng trên thị trường.
Nhờ chịu khó tiếp thị, không chỉ cung cấp giống với số lượng lớn ở khu vực miền Trung và các tỉnh phía Bắc, ông còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hoa súng Thái do ông lai tạo được cho vào chậu và bán ra thị trường với giá 30.000 đồng.
Trung bình mỗi tháng, ông xuất bán khoảng 600 chậu súng, riêng các dịp lễ Tết, nguồn cung không đủ cầu. Không những làm giàu cho bản thân, ông Trinh còn hướng dẫn bà con lối xóm kỹ thuật trồng và nhân giống các loại hoa súng để cải thiện thu nhập.
Với nghề trồng sen, súng, mỗi năm ông Trinh thu về khoảng 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình rất ổn định. “Nghề nào cũng vậy, nếu để hết tâm trí vào công việc, thêm vào đó là sự kỳ công và óc sáng tạo thì sẽ trụ lại được, thậm chí sống khỏe” – ông Trinh bộc bạch.

Doanh thu gấp 10 lần REE, FPT không nói chuyện thưởng CEO

Trong khi Cơ điện lạnh khá hào phóng thưởng CEO cùng cộng sự hơn 52 tỷ thì ông lớn FPT không đề cập đến khoản thưởng này, chỉ dự kiến chi hơn 10 tỷ cho khoản thưởng ban điều hành năm 2014.
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông của CTCP FPT, không có tờ trình nào liên quan đến việc thưởng ban điều hành FPT.
Doanh thu FPT năm 2013, đạt 28.647 tỷ đồng (tương đương 1,36 tỷ đô la Mỹ), tăng 13% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.516 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.065 tỷ đồng.
Mặc dù không đề cập việc thưởng CEO trong năm nay, nhưng ông lớn này cũng hứa hẹn khoản thưởng này vào năm sau với tỷ lệ khá khiêm tốn – thưởng cho các thành viên điều hành không quá 0,49% trên tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn. Tỷ lệ này ở các doanh nghiệp khác thường gấp đôi hoặc hơn thế.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2014, FPT đặt mục tiêu doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 2.700 tỷ, tăng 6% so với năm 2013. Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch, CEO FPT dự kiến sẽ được nhận khoản thưởng hơn 10 tỷ đồng.
Năm 2014, FPT cũng dự kiến trả lương cho các thành viên điều hành 10,76 tỷ đồng, thù lao cho các thành viên không điều hành là 1,1 tỷ đồng, thù lao cho BKS hơn 374 triệu đồng.
Trong khi đó, CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE) với doanh thu 2013 ở mức 2.773 tỷ đồng và gần 976 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn FPT nhiều lần, công bố mức thưởng cho Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành là 30% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch và thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát là 0,5% lợi nhuận sau thuế.
Mặc dù chi trả bằng cổ phiếu ưu đãi, khoản chi 52,4 tỷ đồng thưởng CEO cùng cộng sự cũng là một con số khổng lồ trong việc chi thưởng CEO ở Việt Nam.
Song song với việc đề xuất thưởng CEO, năm 2014, FPT cũng dự kiến mức cổ tức thấp hơn. Năm 2013, FPT trả cổ tức 30% bằng tiền mặt – tương đương 3.000 đồng/cổ phiếu – và 25% bằng cổ phiếu – 4 cổ phiếu hiện hữu được chia thêm 1 cổ phần mới. Tuy nhiên, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2014 chỉ còn 20% – tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

6 bước ‘hâm nóng’ lại sự nghiệp trong năm mới

Vậy là những ngày cuối cùng của năm cũ đang trôi qua.Đây là thời điểm thích hợp để bạn nhìn lại sự nghiệp của mình cũng như tìm hướng đi mới để “hâm nóng” nó trong năm tới. Dưới đây là 6 bước giúp bạn phát triển một sự nghiệp sáng lạn hơn trong năm mới:
Xây dựng các kỹ năng và phát triển chuyên môn
Nếu không làm việc chăm chỉ, bạn sẽ khó được thăng chức hoặc ghi nhận. Nhưng chỉ làm việc chăm chỉ cũng không giúp bạn đạt được những điều trên.
Vấn đề ở đây hãy tích lũy các kỹ năng. Hãy nghĩ đến các dự án bạn có thể tham gia để xây dựng các kỹ năng mới và kiến thức chuyên môn. Có thể công ty bạn cần thiết kế lại trang web, và bạn có thể làm trưởng nhóm liệt kê các ý tưởng. Có thể bạn gợi ý một chương trình tìm kiếm khách hàng mới hoặc cùng với phòng nhân sự triển khai một chương trình đánh giá nhân viên mới.
Hãy tham dự vào một dự án nào đó và cố gắng thực hiện. Bạn cần phải làm vì nó quan trọng để bạn phát triển kỹ năng, kiến thức chuyên môn và giữ vững niềm yêu thích đối với công việc.
6 bước ‘hâm nóng’ lại sự nghiệp trong năm mới
Xây dựng khả năng thích nghi và sự linh hoạt
Lần cuối cùng bạn thay đổi thói quen của mình là khi nào? Trong khi chúng ta khao khát một sự nhất quán, công việc hiếm khi đem lại sự ổn định chúng ta muốn. Một cách để đối phó với nó là thúc đẩy sự thay đổi bản thân.
Hãy bắt đầu thử kiểm tra sự linh hoạt và khả năng thích nghi bằng cách thay đổi thói quen hàng ngày. Nếu bạn thường xuyên đi làm muộn, hãy thử đi làm sớm trong một tháng và xem chuyện gì xảy ra. Hay có một đồng nghiệp bạn không biêt rõ lắm, hãy mời anh/ cô ấy đi ăn trưa.
Học cách yêu các mâu thuẫn
Không nên “bỏ chạy” khỏi sự bất đồng hay cãi lại sếp mỗi khi anh/ chị ấy đưa ra một ý tưởng điền rồ. Hãy dũng cảm tranh luận và để ý kiến của bạn được lắng nghe. Kinh nghiệm bạn nhận được mỗi khi bảo vệ ý kiến của mình sẽ giúp bạn tự tin hơn, làm việc tốt hơn.
Hơn nữa, không phải cuộc tranh luận nào cũng vô nghĩa, không phải mọi ý tưởng đều không đánh tranh luận. Một khi bạn học cách rao bán và đàm phán về những ý tưởng của minh, bạn sẽ nhận được nhiều sự tôn trọng của mọi người.
Không kiệm lời khen
Ai cũng thích nhận được một lời tán dương nồng hậu hay một sự ghi nhận chân thành. Hãy xem bạn có thường xuyên tán dương hay nói lời cảm ơn với đồng nghiệp hay không? Bạn có thể đề nghị giúp đỡ một đồng nghiệp mới hoặc ở lại muộn để giúp mọi người sắp đến thời hạn phải hoàn thành công việc. Khi bạn giúp đỡ mọi người, bạn sẽ được nhớ tới như một người hào phóng và tốt bụng trong văn phòng.
Tự học hỏi
Khi ngân sách eo hẹp, danh mục bị cắt giảm đầu tiên là các khóa đào tạo. Dù đây là điều không may mắn nhưng không có nghĩa bạn mất đi các cơ hội học hỏi để nâng cao kiến thức và kỹ năng bạn cần để thành công. Hãy tìm các cơ hội để tự học thông qua các khóa học miễn phí của các trường đại học danh tiếng hay các khóa học online, đọc sách hoặc học hỏi từ một đồng nghiệp có thâm niên trong nghề.
Chú ý đến thời gian
Hãy dành thời gian suy nghĩ đến sự nghiệp của bạn, lên kế hoạch cho nó và biến nó thành hiện thực. Bạn nên đặt các mục tiêu có thời gian cụ thể và có thể đong đếm được. Một lời khuyên rất hữu ích mà nhiều người đang áp dụng đó là viết ra các mục tiêu và các kế hoạch hàng tháng, hàng tuần và hàng ngày. Nếu bạn chưa từng làm điều này, hãy thử làm trong 2014!

Vì sao người Sài Gòn thờ ơ với khuyến mãi?

Người tiêu dùng TP.HCM có vẻ không còn mặn mà trước những dòng chữ “Sale off”, “Siêu khuyến mãi”… được treo thường xuyên trên các cửa hàng thời trang.
Nếu như trước đây, khuyến mãi là một trong những chiêu câu khách hiệu quả bậc nhất của các cửa hàngkinh doanh thời trang, thì giờ đây phương thức này đang dần mất hết tác dụng. Hầu hết các cửa hàng thời trang ở TP.HCM đều treo biển giảm giá, nhưng ít ai ngó ngàng tới. Tình trạng chung, các shop thời trang lớn nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Chính Thắng, 3 Tháng 2…dù ra sức thay đổi các hình thức khuyến mãi nhưng cũng không cải thiện được sức mua.
Tâm lý đợi đến dịp khuyến mãi để mua hàng đã không còn khi các cửa hàng treo biển khuyến mãi quanh năm suốt tháng. Không cần đến các dịp lễ trong năm như Giáng sinh, Quốc tế phụ nữ, ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ Tình nhân hay dịp Tết…thì các cửa hàng vẫn tổ chức khuyến mãi.
Mới đầu năm, các cửa hàng thời trang có thương hiệu nằm trong trung tâm mua sắm lớn đã trưng bảng giảm giá đến 50% – 70%. Trên các tuyến đường chuyên thời trang như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sĩ, Cách Mạng Tháng Tám…băng rôn khuyến mãi đủ hình thức cũng được treo ngay sau Tết. Song, theo các điểm kinh doanh này, hàng vẫn bán không trôi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ của người tiêu dùng trước các chương trình khuyến mãi.Kinh tế khó khăn, nắm bắt tâm lý ngại chi tiêu của khách hàng nên các chủ kinh doanh thường xuyên mở các đợt giảm giá để thu hút khách mua. Tuy nhiên, rất nhiều người không chú trọng chất lượng của chương trình khuyến mãi khiến người mua mất niềm tin.
Chiêu nâng giá sản phẩm lên để hạ giá xuống thành “khuyến mãi” là kiểu làm giá gian lận của các cửa hàng khiến nhiều khách hàng bức xúc. Người tiêu dùng đã ngày càng cảnh giác với biển “sale off” xuất hiện nhan nhản trên đường phố và các trung tâm thương mại.
Riêng với hàng hiệu thì dù có giảm đến 50-70%, giá bán của các mặt hàng này cũng ở mức cao. Hơn thế nữa, hiện nay người tiêu dùng có xu hướng nếu dùng hàng “xịn” thì mua hàng thời trang xách tay từ nước ngoài được bán online, hoặc hàng Việt Nam xuất khẩu với giá cả phù hợp túi tiền.
Một đặc điểm chung ở các cửa hàng thời trang là mặt hàng khuyến mãi chủ yếu là hàng lỗi mốt, hàng không đủ size được xếp thành đống, thậm chí nhiều cửa hàng chất hàng khuyến mãi một cách lộn xộn, hỗn tạp trong những chiếc sọt cỡ lớn. Người mua phải mất công “đào bới” mới lựa được một món hàng ưng ý. Khách xem hàng khuyến mãi thường không được “chăm sóc” cẩn thận như các mặt hàng khác. Đó cũng là lý do khiến khách hàng quay lưng với hàng sale off.
“Nếu như trước đây tôi phải săn đến đợt khuyến mãi để mua sắm những món hàng ưa thích, thì hiện nay tôi có thể mua bất kỳ lúc nào có nhu cầu, bởi các các cửa hàng liên tục mở những đợt khuyến mãi trong năm. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, hàng hóa được khuyến mại không còn đảm bảo chất lượng như trước, có khi “tiền mất tật mang”. Sau nhiều lần tham rẻ rinh hàng khuyến mãi về nhà, tôi thà bỏ thêm tiền mua hàng không khuyến mãi để khỏi chuốc bực vào thân”, chị Phan Thanh Lan (quận 1) chia sẻ.
Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được giá trước khuyến mãi là bao nhiêu nên không đối chiếu và so sánh được với giá đã khuyến mãi của nhiều loại hàng hóa. Doanh nghiệp đã lợi dụng khe hở này để đánh lừa người tiêu dùng, khiến khách hàng không còn mặn mà với các chương trình ưu đãi, giảm giá, dù được quảng cáo hấp dẫn đến cỡ nào.

Thương vụ 7,2 tỷ USD của Microsoft và Nokia chưa kết thúc

Thương vụ bán mảng thiết bị di động của Nokia cho Microsoft có thể chậm lại thêm một tháng nữa mới xong xuôi, do còn đợi các cơ quan chống độc quyền châu Á chấp thuận.
Tháng 9 năm ngoái, Microsoft thông báo sẽ mua mảng sản xuất điện thoại kèm các bằng sáng chế của Nokia với giá 7,2 tỷ USD. Đại gia công nghệ muốn cạnh tranh với Apple và Samsung trong mảng điện thoại thông minh. Trong khi đó, Nokia cũng muốn bán mảng kinh doanh đang thua lỗ để tập trung sản xuất thiết bị mạng không dây.
Trước đó, cả hai công ty đều tuyên bố sẽ hoàn tất thương vụ vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, theo thông báo của Nokia ngày 24/3, việc này sẽ bị hoãn do còn chờ “một số cơ quan chống độc quyền tại châu Á” chấp thuận. Microsoft cũng cho biết quá trình này đang tiến tới giai đoạn cuối cùng.
Thương vụ Nokia – Microsoft sẽ hoàn tất vào tháng sau. Ảnh: Bloomberg
Nokia và Microsoft đã nhận được sự đồng ý từ giới chức 15 nước, trong đó có Mỹ và các quốc gia châu Âu. Sau tin tức trên, cổ phiếu Nokia đã giảm 1,9% trên sàn chứng khoán Phần Lan. Từ khi thương vụ với Microsoft được thông báo năm ngoái, cổ phiếu đại gia di động đã tăng 80%.
Theo Bloomberg, Nokia đang đánh giá lại chiến lược cho tương lai của hãng khi không còn mảng điện thoại. Họ cho biết việc này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 4.
Sau thương vụ với Microsoft, 90% doanh thu của Nokia sẽ đến từ hệ thống trạm cơ sở (base station) – một phần của mạng thông tin di động GSM, ăng-ten, thiết bị mạng khác cũng như dịch vụ liên quan đến các nhà mạng. Trong mảng này, Nokia sẽ cạnh tranh với Ericsson (Thụy Điển), Alcatel-Lucent (Pháp) và Huawei (Trung Quốc). Ngoài ra, hãng hiện còn có mảng bản đồ số và một bộ phận chuyên quản lý bằng sáng chế.

Cách kinh doanh tại nhà của các bà mẹ

Khi các đối tác đến gặp Dorothy Loh để bàn bạc công việc, họ thường bắt gặp cảnh những đứa con của cô khóc lóc xung quanh hoặc lân la nghịch áo quần của người lớn.
“May mà các đối tác cũng thông cảm và thỉnh thoảng họ còn chơi với lũ trẻ con”, Dorothy Loh nói. Năm nay 39 tuổi, cô đã nghỉ việc công sở để bắt đầu kinh doanh tại nhà, bán quần áo từ 2008.
Loh chỉ là một ví dụ cho trào lưu có tên “các bà mẹ doanh nhân” (mumpreneurs) ở Singapore. Đó là những người nghỉ làm công sở để thiết lập công việc riêng tại nhà. Số lượng các phụ nữ đăng ký kinh doanh, lấy địa chỉ là căn hộ của gia đình, đã tăng nhanh từ 6.600 năm 2008 lên 7.000 người trong năm ngoái tại nước này.
“Càng ngày các thành viên của mạng lưới càng trẻ, có bằng cấp cao. Họ hoàn toàn có khả năng điều hành một cơ sở kinh doanh và cũng có thể linh hoạt kết hợp giữa công việc và gia đình như họ muốn, bà Sher-li Torrey, người sáng lập của mạng xã hội dành cho các bà mẹ Mums@Work nói.
Chị Tan Su Ling và hai con gái. Công việc tại gia của chị đang phát triển rất tốt và chị phải thuê 5 thêm nhân viên để đáp ứng lượng đơn đặt hàng. Ảnh: Straist Times
Khi được hỏi, những bà mẹ làm việc tại nhà đều cho biết họ cảm thấy thoải mái. Thay vì bị gò bó ở công sở từ 9h sáng đến 5h chiều, họ có thể tự thiết lập giờ làm việc dựa theo lịch ăn ngủ của con cái. Có những khoảng thời gian họ có thể không làm gì để tập trung cho gia đình. Nhờ đó, các bà mẹ có thể tận hưởng cùng lúc cả hai thế giới: thử thách và hài lòng trong công việc và thời gian dành cho con trong những năm đứa trẻ hình thành các kỹ năng đầu đời.
Công việc mà các bà mẹ này làm không còn bó buộc trong phạm vi làm bánh, khâu vá như trước đây. Thay vào đó, danh sách ngành nghề đa dạng từ công ty tìm kiếm nhân sự, tổ chức tiệc, hoặc mở lớp thể dục thẩm mỹ. Một số bà mẹ thậm chí còn tiến tới thành lập công ty tổ chức sự kiện hoặc công ty luật.
“Có một số doanh nghiệp tại gia đã phát triển thành quy mô lớn, nhưng các bà mẹ vẫn chọn cách làm việc tại nhà vì con chưa lớn”, bà Torrey cho biết thêm.
Vicki Heng, một bà mẹ 38 tuổi cho biết cô mở phòng luật tại gia. Từng là nhân viên một hãng luật, nhưng cô hối tiếc vì mải đi làm, đã bỏ lỡ nhiều buổi biểu diễn của con ở trường cùng như một số dịp kỷ niệm đặc biệt khác.
“Những đứa trẻ hỏi tôi rằng sao mẹ các bạn khác tham dự được còn mẹ thì không, sao tôi không ở đó để chụp ảnh chúng”, Heng kể. Cô hiện có hai đứa con, một bé gái 7 tuổi và con trai 5 tuổi.
Còn hiện nay làm việc ở nhà, những người mẹ như Loh hay Heng có thể rèn luyện khả năng làm nhiều việc cùng lúc, hoặc có thể bắt đầu hay kết thúc làm việc bất cứ lúc nào, ví dụ như lúc các con vừa ngủ trưa dậy.
Một trường hợp khác, chị Tan Su Ling, 38 tuổi từng là một kến trúc sư, nhưng nay điều hành cửa hàng bán đồ trẻ em trực tuyến tại nhà, lấy đại bản doanh là căn hộ 4 phòng ngủ của gia đình. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, mỗi tháng chị nhận được hàng nghìn đơn đặt hàng. Khách hàng chủ yếu là những người trong khu vực hoặc cả ở nước ngoài. Sản phẩm phần lớn do chính chị thiết kế và tự sản xuất.
Hiện nay làm việc ở nhà và chăm hai đứa con, chị Tan cho biết chị không tốn thời gian trang điểm, chọn quần áo đẹp để đi làm hay tốn thời giờ di chuyển. Chỉ cần mặc bộ pyjama, chị sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào sau khi các con đã đi ngủ hoặc ăn xong.
Còn chị Alicia Cho, 31 tuổi cho biết vừa bắt tay vào kinh doanh tại nhà từ năm ngoái, bỏ công việcmarketing ở một công ty trước đó. Khởi nghiệp từ chính tủ quần áo của con, chị bắt đầu công việc cho thuê quần áo trẻ em, với giá khoảng 10 USD mỗi lần thuê.
Tuy có nhiều cái lợi, nhưng một trong những điều trở ngại lớn nhất của kinh doanh tại nhà là thu nhập không cao bằng đi làm ở ngoài. Chị Cho nói, hiện thu nhập của chị chỉ bằng một phần tư mức lương khi còn đi làm tại công ty trước đây.

Doanh nghiệp lữ hành khốn đốn vì khách hàng xuất cảnh “chui”

Nhiều người lợi dụng con đường đi du lịch để bỏ trốn không chỉ gây thiệt hại đối với các công ty lữ hành, mà còn đẩy họ vào nguy cơ bị rút giấy phép kinh doanh
Một hiện tượng đang được dư luận quan tâm đó là hình thức lợi dụng đi du lịch để trốn ra nước ngoài định cư bất hợp pháp. Tình trạng này khiến thị trường du lịch quốc tế đang sôi động bỗng trở nên héo hon bởi các thủ tục đăng ký visa, cấp hộ chiếu, xin visa du lịch nước ngoài bắt đầu trở nên khó khăn. Còn các công ty du lịch thì lúng túng trước diễn biến phức tạp này.
Xuất hiện cùng các hồ sơ của các đối tượng núp bóng đi du lịch để bỏ trốn, chị Quyên, một hướng dẫn viên du lịch vẫn chưa hết lo lắng sau khi bốn người khách đi cùng đoàn đã bất ngờ bỏ trốn tại Singapore và Hàn Quốc mới đây.
Singapore là nước chiếm tỷ lệ đông khách du lịch bỏ trốn. (Ảnh minh họa)
Chị Lê Thị Ngọc Quyên, hướng dẫn viên du lịch tại TP. HCM cho biết: “Khi đi họ (những người khách du lịch bỏ trốn – PV) mua vé cùng với đoàn, nhưng khi tới sân bay họ không tham gia đi du lịch cùng với đoàn mà có người đón họ đã chờ sẵn ở Singapore. Thậm chí, có trường hợp mình đã giữ hộ chiếu tới ngày cuối cùng, khi đi ra sân bay về, sau khi lấy vé máy bay xong bắt buộc mình phải phát lại hộ chiếu cho khách để đi vào trong thì họ cầm vé máy bay và hộ chiếu rồi đi ngược ra ngoài”.
Cũng theo người hướng dẫn viên này, đa phần những người bỏ trốn là phụ nữ. Họ tìm cách định cư bất hợp pháp tại nơi đến hoặc tìm đường đến nước thứ ba.
Sự việc liên tiếp xảy ra khiến nhiều daonh nghiệp lữ hành cảm thấy lo sợ. Ông Trần Long, Tổng giám đốc Công ty CPTT Du lịch Việt cho biết: “Thời gian qua thị trường khách hàng trốn nhiều nhất là Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Úc hiện nay cũng đã có tình trạng này. Tại khu vực Đông Nam Á có thị trường Malaysia, Singapore tình trạng bỏ trốn tương đối nhiều. Những công ty du lịch sẽ bị các hình thức phạt rất nặng nề khi có khách bỏ trốn ở lại. Thậm chí, những đoàn khách về sau có thể không được cấp visa nữa. Và những công ty du lịch đó có thể bị rút giấy phép hoặc không bao giờ được xin visa cho khách đến nước đó du lịch”.
Tin từ phòng lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay đã ngừng cấp thị thực cho hai đơn vị lữ hành có khách trốn tại nước này. Đồng thời, cảnh báo sẽ áp dụng hình thức tương tự đối với một số công ty du lịch khác nếu vi phạm.
Hiện tượng xuất cảnh “chui” dưới hình thức du lịch đang rộ lên khiến các nước Asean, tuy được miễn visa nhưng các thủ tục đã bắt đầu trở nên phức tạp.
Bà Đỗ Phan Vĩnh Hải, Trưởng phòng Maketing Cục Xúc tiến du lịch Malaysia cho biết: “Con số khách du lịch ở Việt Nam đi và bỏ trốn đều tăng lên. Vì vậy sẽ khó khăn hơn trong việc xin cấp visa. Nếu các công ty du lịch có nhiều khách bỏ trốn quá thì sẽ bị các cơ quan chính phủ bên Malaysia để ý và sẽ khó khăn hơn cho các đoàn khách sau”.
Việc khách du lịch lợi dụng hình thức này để trốn ở lại cũng đang được các cơ quan chức năng đặt dấu hỏi: Có hay không việc doanh nghiệp thông đồng với các đối tác để thực hiện các phi vụ xuất ngoại chui đang được điều tra, làm rõ./.

Lỗ bạc tỷ vì mở nhà hàng, quán ăn

Một quán ăn nếu chọn vị trí không phù hợp, định vị sai đối tượng khách hàng, khẩu vị xa lạ… sẽ nhanh chóng thất bại, thậm chí lỗ tiền tỷ chỉ trong thời gian ngắn.
Đã 30 tuổi, là trợ lý giám đốc cho một công ty Nhật Bản, có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng Nhật, nên chị Hằng nảy sinh ra ý định mở nhà hàng phục vụ khách quốc tế.
Vốn đầu tư ban đầu là một tỷ đồng, chị Hằng thuê một tòa nhà 3 tầng gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) với giá 2.500 USD một tháng, hợp đồng trong 2 năm (đặt cọc 6 tháng). Chi phí thiết kế và sắm sửa nội thất cho nhà hàng khoảng 800 triệu đồng. Theo tính toán của chị, ngoài lượng khách nước ngoài ở khu Phú Mỹ Hưng, nhà hàng sẽ có thêm khách tour bằng cách kết nối với các công ty du lịch. Chị Hằng tính toán, khách đến ăn mỗi ngày sẽ trên 100 người, giá món ăn dao động 100.000-400.000 đồng, nếu khách đến đều đặn chị tính sau 6 tháng có thể lấy lại vốn.
Với lượng khách dự trù như vậy, chị Hằng lên kế hoạch thuê một bếp trưởng, hai phụ bếp và bốn nhân viên phục vụ. Mỗi tháng, tiền chi trả lương nhân viên hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nửa năm kinh doanh mọi thứ không giống như kế hoạch đề ra, lượng khách đến lẻ tẻ, một tháng doanh thu tại nhà hàng của chị chưa đầy 100 triệu đồng, lãi không đủ để trả chi phí.
Mặc dù lỗ nhưng chị vẫn quyết tâm duy trì và xoay hướng kinh doanh bằng cách bán thêm hủ tiếu buổi sáng và cơm văn phòng buổi trưa giá 30.000 đồng. Dù mỗi tháng có thêm 15-20 triệu đồng, nhưng khi cộng lại vẫn không đủ bù chi. Không chịu thua, chị lại quyết định chuyển sang làm thêm dịch vụ tiệc phục vụ cho các công ty và nhóm người, nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn. Hết cách, cuối cùng bà chủ trẻ ngậm ngùi ngừng kinh doanh. Đau đầu hơn, tưởng khi trả lại nhà, chị Hằng sẽ được nhận lại tiền đặt cọc, nhưng lúc này chủ nhà lấy lý do chị hủy hợp đồng thuê nhà trước thời hạn nên không trả lại. Đành chấp nhận thua cuộc sau nhiều lần kiện cáo, tổng kết lại sau gần 2 năm kinh doanh chị lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Định vị sai nhu cầu khách hàng mục tiêu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà hàng, quán ăn lỗ nặng. Ảnh: Minh Thư.
Theo chị Hằng, sai lầm lớn nhất khiến chị thất bại là định vị sai nhu cầu của khách hàng mục tiêu, chọn địa điểm xa trung tâm ẩm thực, chưa tạo ra được điểm khác biệt để hút khách nước ngoài.
“Thực khách ít ai chạy từ các quận trung tâm khác để đến Phú Mỹ Hưng ăn uống. Còn khách hàng tại chỗ chỉ thích đến những dãy phố ẩm thực đa dạng hơn là đến những nhà hàng nằm lẻ loi như của tôi”, chị Hằng bộc bạch.
Quy mô kinh doanh nhỏ hơn chị Hằng, nhưng anh Linh, 35 tuổi, quê Hà Nội chọn kinh doanh quán phở Hà Nội trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3) cũng lỗ cả tỷ đồng.
Anh Linh cho hay, vì quán phở ở Hà Nội của anh rất đông khách nên khi có dịp vào TP HCM, anh nảy ra ý định mở một quán phở đặc trưng tại đây với niềm tin lượng khách sẽ không thua kém gì ngoài Bắc. Anh quyết định thuê tầng trệt rộng 60m2 của một căn nhà 5 tầng với giá 1.000 USD một tháng, chi ra 600 triệu đồng để tu sửa. Riêng tiền lương nhân viên, mỗi tháng anh tốn 30 triệu đồng.
Do đặt quán ở khu trung tâm, anh Linh xác định khách hàng có thu nhập khá, do vậy anh bán 60.000 đồng một tô phở. Tuy nhiên, suốt 3 tháng kinh doanh, lượng khách đến quán mỗi ngày không quá 20 người. Để thay đổi tình hình, anh Linh quyết định đóng cửa quán một tuần, bỏ tiền ra thuê thầy phòng thủy về sắp xếp lại hướng bàn ghế, tuyển thêm nhân viên mặc áo dài đứng trước cửa mời chào khách. Kết quả cuối cùng vẫn không có gì thay đổi, suy đi tính lại anh Linh buộc phải đóng hẳn cửa hàng và mất trắng 1,2 tỷ đồng sau 5 tháng kinh doanh.
Theo anh Linh, nguyên nhân khiến anh lỗ là giá bán cao, địa điểm thiếu hợp lý, kể cả phong cách phục vụ xa lạ.
“Nếu người miền Bắc thấy việc bỏ thịt lên cân trước mỗi lần chế biến là chuyện bình thường, thì người miền Nam lại thấy đó là hành động “bủn xỉn”. Mặt khác, con đường Trần Quốc Thảo là một chiều nên khách chỉ đi lướt qua mà rất ít ghé, thêm vào đó các hàng quán bên cạnh như hủ tiếu hay cơm văn phòng giá bán lại bình dân chỉ 25.000-30.000 đồng nên rất khó cạnh tranh”, anh Linh giải thích thêm.
Cũng mở quán phở Hà Nội như anh Linh nhưng giá bán của anh Hoàng gần chợ Tân Định (quận 1) rẻ hơn, tuy nhiên lượng khách đến đây cũng không mấy khả quan.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống bán phở lâu đời, anh Hoàng 40 tuổi, quê ở Nam Định quyết định bỏ ngang việc kinh doanh xăng dầu để tiếp tục với nghề truyền thống. Anh vào miền Nam thuê một tòa nhà 3 tầng với giá hơn 1.000 USD để mở quán. Thiết kế thoáng, phong cách lãng mạn nên nhiều khách qua lại cứ ngỡ là quán cà phê chứ không phải quán ăn. Cách chế biến phở lại theo phong cách miền Bắc nên tô phở chỉ có thịt và hành, do đó lượng khách đến quán không đông, chỉ vài chục người một ngày. Gia vị chế biến thì vẫn giữ nguyên đặc trưng khẩu vị miền bắc.
“Tôi có một quán ở Hà Nội cũng chế biến công thức này và bán rất đắt khách, nên tôi nghĩ giữ nguyên hương vị sẽ tạo được ấn tượng nên dù đã lỗ gần một tỷ đồng nhưng tôi vẫn quyết duy trì”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng tin tưởng với cách chế biến đặc trưng riêng, khách sẽ đến với quán của anh đông hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu cách phục vụ cũng như cách chế biến không chiều theo nhu cầu của người miền Nam, thì ý định thoát lỗ của anh cũng khó thành trong thời gian tới.