Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Nghề bán ôtô: Thừa bè thiếu bạn

Giao dịch với toàn các VIP, ôm điện thoại cả ngày, nói về xe hơi như những chuyên gia bậc thầy của các hãng xe nổi tiếng… là hình ảnh thường thấy của một nhân viên bán ô tô.
Hành trang vào nghề
Vừa chân ướt, chân ráo ra trường, Huy chọn bán ô tô như công việc “chống cháy” trong khi chờ đợi một việc làm ổn định. Dễ xin việc, thu nhập tương đối, bán ô tô đã trở thành điểm đến của không ít người như Huy. “Bài học vỡ lòng khi em trở thành nhân viên chính thức của một đại lý ô tô khá nổi tiếng ở Hà Nội là học cách nói xấu đối thủ cạnh tranh”.
Nắm điểm yếu của đối thủ trong lòng bàn tay, bất cứ lúc nào cũng có thể tuôn ra hàng tràng những nhược điểm của sản phẩm cạnh tranh và thổi phồng thế mạnh của hãng mình.

“Hót thế nào cho khách hàng phải cảm thấy chiếc xe mình mang ra giới thiệu là số một” – Huy thao thao bất tuyệt. “Đừng quên sưu tập danh bạ điện thoại”, một cạ cứng của Huy thêm vào. “Đương nhiên, để khách hàng, đặc biệt là những vị khách lần đầu mua xe “yên tâm” về những gì mình tư vấn thì phải hiểu về xe. Chỉ cần tỏ ra lơ mơ hay trả lời ấp úng một vấn đề mà khách hỏi là mất điểm ngay”.
Trong vòng xoáy thị trường
Để bán được 2-3 xe một tháng (chỉ tiêu tối thiểu của đại lý giao), mỗi nhân viên phải có ít nhất khoảng 100 khách hàng tiềm năng. Trong số này chỉ 9-10 người là có “tiền tươi, thóc thật” nhưng cuối cùng cũng chỉ có 2-3 người “vào chung kết”.
“Nếu không cẩn thận, anh cũng có thể bị hớt tay trên ngay trước khi về đích”. Câu chuyện mà T – nhân viên một đại lý ôtô ở HN kể cho chúng tôi chính là một kinh nghiệm xương máu trong cái thị trường nóng hơn cả chiến trường này: “Có lần khách của em đã đồng ý mọi chuyện chỉ chờ ký hợp đồng là xong thế mà còn hỏng vì tay một cô bé bên hãng xe đối thủ”.
“Tất cả cũng chỉ tại cái thương hiệu”. Thăng nói tiếp vẻ bất mãn: “Mình chăm sóc khách cả tháng, gọi điện thoại hầu chuyện đến rát cổ thế mà nó chỉ tán có một buổi là xong nên chắc ăn nhất là ký hợp đồng ngay khi có thể”.
Cạnh tranh giữa các hãng gay gắt bên cạnh cuộc chạy đua giữa các đại lý trong cùng một hãng cũng không hề kém. Để bán được xe, nhân viên của các đại lý này không ngại giở võ của mình ra để loại đối thủ cạnh tranh được coi là “cùng hội nhưng không cùng thuyền” này. “Bạn biết chiêu phổ biến nhất là gì không? Ngoài số tiền tối đa giảm cho khách ngoài hợp đồng (theo quy định của hãng), nhiều đại lý còn chấp nhận giảm thêm cho khách từ một đến vài trăm USD”.
“Nhiều khi, để đạt chỉ tiêu, nhân viên còn phải dùng tiền hoa hồng của mình để bớt thêm cho khách. Mà khách thì cứ chỗ nào rẻ thì họ mua thôi. Thời buổi này một đồng cũng quý”- Qúy một tay sừng sỏ tiết lộ. Đương nhiên, những vụ bán phá giá thế này đã được các hãng kiềm chế tối đa bằng cách phạt tiền. Số tiền phạt có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Mặc dù vậy, nhiều nhân viên trong nghề cho biết, việc bán phá giá để giành khách xảy ra như cơm bữa. Ngoài cạnh tranh giữa các hãng, các đại lý, nhiều dân trong nghề cũng phải cạn tranh nhau. Chỉ lộ thông tin về khách hàng, là có thể bị “lạc” mất danh bạ điện thoại.

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

“Bí kíp” cần biết để bắt tay với mạng quảng cáo mobile

Thông thường, người dùng trong hơn 4,5 tiếng sử dụng điện thoại cho việc giải trí thì hơn 30% thời gian này họ truy cập Internet. Đây là kết quả một cuộc khảo sát được dựa trên hành vi của 1062 người dùng thiết bị di động do Decision Fuel và Inmobi thực hiện vào tháng 8 năm 2013. Cũng trong một nghiên cứu khác của blog.heyo.com, trung bình một ngày, mỗi người dành 197 phút online bằng điện thoại và chỉ dành 168 phút để xem tivi.
Từ đó, có thể thấy rằng những thiết bị di động đang trên con đường làm cuộc cách mạng thay đổi hành vi người dùng, đem đến cho các doanh nghiệp một hướng đi mới trong việc tiếp thị sản phẩm và quan trọng, các nhà phát triển ứng dụng có thểm một phương án cho việc kinh doanh của mình, đó là tích hợp quảng cáo. Tuy nhiên, nó cũng phát sinh ra một bài toán khó khăn cho các nhà phát triển trong việc lựa chọn mạng quảng cáo phù hợp, đem đến doanh thu tối ưu nhất.
Từ trước đến nay, Admob vẫn đang là một đối tác đáng tin cậy đối với tất cả các nhà phát triển trên toàn thế giới, nhưng đối với Việt Nam thì nó vẫn có những mặt hạn chế nhất định. Xác định được điều đó, nhiều mạng quảng cáo được chính người Việt Nam gây dựng nên để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các nhà phát triển nước nhà, có thể kể đến như là Amobi.vn, CleverNET, Sosmart, Viettel Ads,AdFlex.vn.
Lựa chọn hình thức quảng cáo phù hợp có ý nghĩa quan trọng

Quá nhiều lựa chọn như vậy khiến cho nhà phát triển ứng dụng băn khoăn không biết lựa chọn giải pháp nào và phần lớn chọn giải pháp có mức đơn giá cao cho 1 click. Tuy nhiên điều đó không phải là điều quyết định thu nhập mà vấn đề ở chỗ cần lưu tâm đến các tiêu chí:
Hình thức quảng cáo phong phú và sinh động
Một ads-network có hình thức quảng cáo sinh động sẽ là một vật trang trí đẹp cho game/app, vì vậy sẽ là không tốt nếu các nhà phát triển ứng dụng tích hợp ads-network “xấu xí”, điều đó rất dễ bị khách hàng tẩy chay. Xu hướng hiện nay đang nghiêng về hình thức quảng cáo dạng hình ảnh full screen hoặc chiếm 60% diện tích màn hình. Đây chính là một trong những điểm nhấn mà các nhà quảng cáo trên di động hướng đến trong cuộc cạnh tranh của mình.
Tỷ lệ Fill Rate – Tỉ lệ xuất hiện quảng cáo
Cho dù một ads-network có trả cho bạn vài nghìn đồng cho một click nhưng hãn hữu lắm mới có chiến dịch quảng cáo chia sẻ trên network của họ thì một ngày bạn sẽ thu được vài chục nghìn đồng đủ để uống cafe. Vì vậy, hãy chọn những ads-network có fill-rate cao, nghĩa là mỗi lần app của bạn được chạy thì tỷ lệ có banner quảng cáo xuất hiện ít nhất 60%. Song trên thực tế đã có những dịch vụ quảng cáo hiện nay đã có tỷ lệ fill rate đạt đỉnh 100% như Adflex.vn – “ngang ngửa” với Admob, mạng quảng cáo lớn trên thế giới.
Tỷ lệ click/1000 lần hiển thị (eCPM), tỷ lệ install/ 1000 lượt click (CVR) và tỷ lệ click vào quảng cáo (CTR)
Hai tiêu chí đã nói trên chính là cơ sở để người dùng sẵn sàng click vào quảng cáo trên ứng dụng và từ đó đem lại lợi ích cho phía nhà phát triển. Một thống kê của AdFlex.vn vào tháng 12/2013 so sánh giữa các dịch vụ quảng cáo là (Admob và Ads network Việt trong đó có Adflex) theo ba tiêu chí eCPM, CVR và CTR, Admob chia sẻ cho nhà phát triển ứng dụng từ 0,5 – 1,0$ cho 1000 lần hiển thị quảng cáo và CVR đạt từ 2 – 5% cùng với 1 – 2% lượt click vào quảng cáo. Trong khi đó những con số này ở Adflex.vn là 0,5 – 1,5$ cho chỉ số eCPM, 4 – 20% cho CVR và 3 – 10% CTR.

Xu hướng marketing 2014: "Đi ngược lại Steve Jobs"

Nếu nếm sản phẩm PowerBar những ngày đầu tiên, có thể bạn đã bị mắc nghẹn. Người sáng tạo ra thức ăn dinh dưỡng bổ sung này là Maxwell, ông biết sản phẩm của mình chưa đạt đến mức tối ưu.
Tuy nhiên, nhận được thông tin phản hồi về phiên bản đầu tiên, ông đã có thể sửa đổi nó, thay đổi gói mẫu mã và chiến lược tiếp thị thành công. PowerBar cuối cùng đã trở thành một doanh nghiệp trị giá 150 triệu USD và tạo ra một thế hệ thực phẩm năng lượng đáng giá 1 tỷ USD.
Gần đây, cách cố ý tung ra sản phẩm không hoàn hảo của Maxwell đã được nhiều công ty áp dụng như một chiến thuật sáng tạo mới. Thay vì đầu tư cho nghiên cứu thị trường, các công ty chỉ bắt đầu với một sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP), để có được sản phẩm với chi phí thấp nhất và tung ra thị trường nhanh nhất.
Ngay cả khi nhiều người không mua sản phẩm đó, phương pháp tiếp cận này vẫn tạo ra phản hồi cụ thể về các đặc điểm riêng biệt, đưa ra kế hoạch chi tiết cho mẫu thiết kế cuối cùng.
Cố lãnh đạo của Apple, Steve Jobs, đã từng nói: "Thành công của Apple không phải là do may mắn hay do sự sáng chế thiên tài, mà là kết quả của quá trình thử nghiệm một loạt các nguyên mẫu ban đầu và phân tích phản hồi của người dùng trước khi đưa ra lựa chọn những sản phẩm tốt nhất của công ty".
Đó là cách đưa ra sản phẩm không hoàn hảo để có một sản phẩm hoàn hảo nhất. Còn đưa một sản phẩm "không hoàn hảo" ra thị trường lại là xu hướng quảng cáo của năm 2014 như trong báo cáo của Công ty Quảng cáo Mỹ JWT nhận định.
Công ty này dự đoán rằng "tự hào không hoàn hảo" hay "vẻ đẹp là rất nhàm chán" sẽ trở thành xu hướng marketing, quảng cáo của nhiều nhãn hàng, bao gồm cả lĩnh vực thực phẩm.
Thực tế, những sản phẩm thô ráp giống như làm thủ công đang được ưa chuộng, từ món pizza "không hoàn hảo" của hệ thống fastfood Domino đến món trứng không hình dạng trong nhà hàng của McDonalds. Sáu trong 10 người trong khảo sát của JWT nói rằng "thích hàng hóa có một chút thiếu sót hoặc không hoàn hảo "; bảy người "tìm thấy vẻ đẹp trong sai sót".
"Sự thiếu hoàn hảo và thậm chí hoàn toàn kỳ quặc, lộn xộn và thiếu sót đang là xu hướng mới trong một thế giới từ lâu đã rất gọn gàng, bóng bẩy", báo cáo của JWT nhấn mạnh. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng từ chối sự hoàn hảo để chấp nhận sự sai sót nhưng chân thực.
Trong thực phẩm, người tiêu dùng Mỹ sẽ thấy nhiều thức ăn có vẻ không hoàn hảo. Ví dụ, món gà tây trong thực đơn Oscar Mayer sắp ra mắt cắt dày và không đồng đều, thậm chí là trông như đồ ăn thừa. Nhưng như JWT cho biết, để có được món ăn "xấu xí” này, Oscar Mayer mất hai năm nghiên cứu. Cái gọi là sự không hoàn hảo của sản phẩm là như có chủ ý.

6 điều một Brand Manager cần biết về tiếp thị

Theo cha đẻ của quản lý hiện đại, Peter Drucker: Bởi vì mục đích của kinh doanh là tạo ra lợi nhuận thông qua tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh có hai và chỉ có hai chức năng cơ bản: tiếp thị và đổi mới Marketing là chức năng duy nhất của doanh nghiệp.
Vậy, tiếp thị là gì? Huyền thoại Silicon Valley đầu tư mạo hiểm và là cựu giám đốc điều hành Intel Bill Davidow cho biết, “Tiếp thị phải phát minh ra sản phẩm hoàn chỉnh và đẩy chúng đến đứng đầu các vị trí trong phân khúc thị trường”
Điều buồn cười là, Davidow đã không tìm hiểu tiếp thị trong trường, tất cả các kiến thức của ông là trong kỹ thuật điện. Steve Jobs, một nhà tiếp thị tài ba và bỏ học.
Vậy, làm thế nào để những nhà marketing lớn tìm hiểu về tiếp thị?
Các công ty Start Up là nơi tuyệt vời để tìm hiểu và vận dụng mọi khía cạnh của tiếp thị vì họ làm tất cả mọi việc đều là tạo ra những sản phẩm sáng tạo và đẩy chúng đi, không gì khác hơn việc này. Bên cạnh đó, họ luôn kẹt tiền và cần người để phát triển. Mọi kiến thức đều được học từ điểm bắt đầu.
Dưới đây là 6 sự thật mà mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên biết:
1. Tiếp thị cũng giống như quan hệ tình dục : Mọi người đều nghĩ rằng họ đang làm tốt
Có nhiều câu hỏi trong tiếp thị hơn các lĩnh vực khác, có thể do nhu cầu mạnh mẽ, nguồn cung yếu, và thật dễ dàng để giả mạo. Mọi người đều nghĩ rằng họ là một thiên tài tiếp thị khi đưa ra một ý tưởng, thực hiện một chiến dịch. Nhưng sự thật, họ không phải là những người duy nhất.
2. Thương hiệu vẫn thắng
Nhiều người nghĩ thương mại điện tử sẽ chi phối cuộc chơi và loại các thương hiệu mạnh khi có một sản phẩm tốt hơn. Nhưng điều này thực sự đã không xảy ra. Quay trở lại thời hoàng kim của AOL, Bob Pittman nói: “Coca-Cola không giành chiến thắng trong thử nghiệm hương vị . Microsoft không có hệ điều hành tốt nhất. Thương hiệu vẫn giành chiến thắng. Thương hiệu lớn như Apple, Google, Coca Cola, IBM và Microsoft chưa bao giờ mạnh mẽ hơn.”
3. Tiếp thị là sự hiểu biết về con người
Nó là việc xác định những gì khách hàng muốn, đôi khi trước cả lúc họ tự biết . Hãy tin vào cảm xúc của bạn. Vì mọi sản phẩm hay dịch vụ trong mọi ngành kinh doanh đều được mua bởi 1 con người chứ không phải cái máy.
4. Đổi mới không phát minh lại bánh xe
Một số người là những nhà phát minh vĩ đại. Họ thức giấc với những khái niệm hoang dã mà chưa ai từng nghĩ đến.
Nhưng các nhà tiếp thị lớn có xu hướng sáng tạo phát minh vào những điều mọi người có thể sử dụng. Tiếp thị phát triển mạnh trên ý tưởng tái sử dụng theo những cách mới. Chương trình xây dựngthương hiệu Intel Inside thực sự là một chương trình tiếp thị thành phần -không có gì mới mẻ – những nó lại phù hợp với ngành công nghiệp PC.
5. Marketing không phải chỉ là công việc của 1 phòng ban
Tiếp thị là trung tâm của bánh xe kinh doanh. Đó là nơi phát triển sản phẩm, sản xuất, tài chính, truyền thông và bán hàng gặp nhau . Các bộ phận liên quan đến tiếp thị cũng có chức năng hổ trợ cho phòng Marketing. Mỗi thành viên của đội ngũ lãnh đạo là một phần hỗ trợ của phòng marketing. Hãy nghĩ rằng, mọi thứ trong công ty đều là Marketing, mọi người đều phải nghĩ về Marketing
6. Bạn không cần một ngân sách lớn để tạo ra một tiếng vang lớn
Bằng cách thực hiện các chiến lược truyền thông đúng đắn, các nhà tiếp thị lớn có thể tạo ra một làn sóng phấn khích của khách hàng và tạo sự lan truyền cho một công ty hay sản phẩm mà chưa ai từng nghe nói tới. Và nó có thể được thực hiện trên một ngân sách eo hẹp. Steve Jobs là một bậc thầy trong việc duy trì bí mật và kiểm soát chính xác như thế nào và khi bất cứ ai biết bất cứ điều gì về các sản phẩm của Apple.

Mạng xã hội có thể tàn phá danh tiếng doanh nghiệp

Người khơi gợi vấn đề bằng hình ảnh rất gần gũi trên là ông Peter Klein, Giám đốc Điều hành Công ty Educated Change. Vấn đề ông nêu ra là dù doanh nghiệp có lịch sử lâu đời, nhưng vẫn có thể bị tác động xấu bởi các kênh truyền thông xã hội. Nintendo, công ty game lâu đời của Nhật, cũng không phải là ngoại lệ nếu không biết cách xử lý.
Truyền thông xã hội đang lôi kéo ngày một nhiều người gắn chặt vào các thiết bị di động hàng ngày, hàng giờ. Châu Á, lục địa với những quốc gia mới nổi lại là nơi có mức độ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực này. Hiện nay có hơn 1 tỉ người dùng internet ở châu Á. Trong đó có ít nhất 811 triệu người sử dụng mạng xã hội. Điển hình như Facebook, có đến 10 triệu người gia nhập hàng tháng. Chính sự phát triển lớn mạnh này là mối đe dọa đến hình ảnh doanh nghiệp.
“Có những thông tin xấu bị thổi phồng hay rủi ro rất khó lường khi chia sẻ thông tin sai lệch”, ông Peter Klein nhìn nhận. Theo ông, các đối thủ cạnh tranh cũng có thể lợi dụng mạng xã hội để “chơi xấu” nhau, thậm chí dùng mạng xã hội để lôi kéo khách hàng của đối thủ. Thực tế đã có không ít trường hợp doanh nghiệp này dùng mạng xã hội để chê bai, chế giễu cách làm mới của doanh nghiệp khác khi họ cố gắng tạo ra sự khác biệt.
Ở Việt Nam có nhiều trường hợp minh chứng cho tác động này. Đơn cử như sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5/2013, trong khi sự kiện thu hút rất đông người quan tâm và ủng hộ thì trên mạng xã hội lại xuất hiện bình luận đặt câu hỏi tại sao đơn vị tổ chức lại bỏ ra quá nhiều tiền để mời Nick Vujicic thay vì đem số tiền này ủng hộ cho người nghèo. Hay như Manulife Việt Nam đã từng bị chính nhân viên của mình nói xấu trên mạng xã hội. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín hay danh tiếng của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Tập đoàn Masso cho biết, đôi khi doanh nghiệp không lường trước được những hậu quả từ mạng xã hội. Bởi vậy ông cho rằng, doanh nghiệp nên thành lập một Ban chuyên giải quyết các vấn đề mang tính tiềm tàng từ mạng xã hội.
Còn ông Peter Klein thì phân tích, nếu biết cách tận dụng, các mạng xã hội có thể giúp doanh nghiệp gia tăng danh tiếng hiệu quả. Ông cho biết, không ít doanh nghiệp sử dụng kênh xã hội để truyền thông nhưng có nhiều sai lệch. Chất lượng sản phẩm hay dịch vụ khách hàng kém, quảng bá và giới thiệu sản phẩm sai sự thật, thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng nhanh chóng hay thiếu sót trong việc công bố thông tin trực tuyến… là những nguyên nhân dẫn đến thất bại thường thấy.
Do đó, ông cho rằng doanh nghiệp nên lắng nghe khách hàng và thị trường nhiều hơn. “Nên cân bằng ở mức hợp lý là 99% nghe và chỉ nói 1%”, ông nói. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tận dụng đặc tính của các kênh mạng xã hội để truyền thông tin nhanh chóng như tường thuật trực tiếp. Ngoài ra, xây dựng cộng đồng và kết nối cộng đồng là việc không thể thiếu trong việc quảng bá danh tiếng hiệu quả.

Điểm danh 3 chiến dịch mobile marketing thú vị trên thế giới

Các chiến dịch tiếp thị trên di động tiêu biểu của thế giới đã được phân tích một cách sinh động bởi ông Nguyễn Đăng Ngọc (Đồng Giám đốc Điều hành mạng quảng cáo trực tuyến Admicro) trong buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên do Hiệp hội Mobile Marketing (MMA) tổ chức tại Việt Nam tháng 1 vừa qua.
Adidas Philippines tương tác khách hàng thành công với mobile game
Đầu năm 2013, Adidas Philippines quyết định sử dụng mobile để giới thiệu mẫu giày Boost mới của họ. Công ty cho phép người tiêu dùng chơi một trò chơi trên điện thoại di động. Với việc sử dụng mobile game, Adidas mong muốn kích thích khách hàng lựa chọn các loại giầy khác nhau cho các loại địa hình khác nhau.
“Thay vì chỉ hiển thị thông sản phẩm, Adidas Philippines đã tạo ra một quảng cáo tương tác dưới định dạng HTML5, trong đó người tiêu dùng có thể đặt ngón tay trên màn hình và chạy bằng những đôi giày khác nhau trên các địa hình và thời tiết khác nhau", bà Shayne Garcia - Cố vấn chiến dịch cho biết.
Định dạng quảng cáo này còn giúp người dùng so sánh kết quả của mình với những người dùng khác gần họ dựa vào tính tăng định vị địa điểm và thể hiện trên bản đồ. Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng click vào quảng cáo, người dùng được dẫn đến mobile site của Adidas hoặc "Like" trang Fanpage của công ty hoặc chia sẻ điểm số (quảng cáo) qua Facebook.
Chiến dịch của Adidas đã tạo CTR trung bình là 1,27%, có khi lên tới 2,02%. Thời gian trung bình người dùng tham gia chơi game là hơn 60 giây. Chiến dịch tạo ra 1.220.346 672.054 lượt hiển thị đến từ các thiết bị iOS và 548.292 đến từ các thiết bị Android. Đây là kết quả ngoài sức tưởng tượng cho nhãn hiệu - điều khó đạt được nếu chỉ dùng định dạng quảng cáo banner.
Khi đồng hồ đếm ngược về con số 0 là lúc bạn nên bắt đầu chạy với các ngón tay khác nhau của mình

Hãng bảo hiểm Bradesco với chiến dịch Fake Ad
Bradesco, một nhà cung cấp bảo hiểm ở Brazil, đặt quảng cáo trên phiên bản mobile và máy tính bảng của các tạp chí điện tử về ô tô. Nhìn qua, màn hình trông có vẻ như là một poster quảng cáo xe hơi bình thường trên tạp chí. Khi người dùng cố gắng lật trang bằng cách di ngón tay sang trái thì chiếc xe cũng bị đẩy giật cục về phía trái này và bị đâm nát đầu xe. Khẩu hiệu quảng cáo hiện ra: "Có những sự kiện không ai có thể ngờ tới. Đừng chần chừ giao dịch bảo hiểm xe hơi với Bradesco!”


Quảng cáo được đánh giá là sáng tạo, thú vị, tạo hiệu quả cao và được “dân” trong ngành gọi là “Fake Ad” (Quảng cáo đánh lừa). Tuy nhiên, cũng vì lẽ đó, nhiều chuyên gia khuyên các nhãn hàng không nên quá lạm dụng hình thức này, lâu dài có thể gây phiền hà tới độc giả.

Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm

Làm gì và làm như thế nào dường như là một câu hỏi lớn cho tất cả những ông chủ có mơ ước làm giàu?
Một trong những chiến lược được các nhà quản lý quan tâm nhiều nhất chính là chiến lược “Khác biệt hoá sản phẩm”. Chiến lược khác biệt hoá là chiến lược đưa ra một sản phẩm khác hẳn sản phẩm của các đối thủ sao cho khách hàng đánh giá cao sản phẩm của mình.
Có rất nhiều cách để làm sản phẩm của mình khác biệt, nhưng để thành công thì phải có 3 đặc điểm sau: “Tạo ra giá trị khách hàng”, “Cung cấp giá trị thấy được”, “Khó bắt chước”.
1. Tạo ra giá trị khách hàng.
Một trong những yếu tố then chốt để cho chiến lược khác biệt hoá được thành công là phải có thêm giá trị thực sự cho khách hàng. Thí dụ đối với khách hàng có nhu cầu về đầu tư chứng khoán để kiếm lời thì sự tiện nghi không phải là giá trị, họ muốn được các chuyên gia hàng đầu gặp gỡ và cho ý kiến nhiều hơn. Hoặc sản phẩm thuốc tây của hãng Bayer nổi tiếng nhờ cái tên của nó chứ không phải nhờ các thành phần của nó. Phải đặt câu hỏi như sau:
- Làm sao để sự khác biệt này ảnh hưởng đến kinh nghiệm mua hàng và kinh nghiệm sử dụng của khách hàng?
- Sự khác biệt này có làm giảm chi phí, tăng thành tích, tăng sự thoả mãn không?
Một cách tạo sự khác biệt sản phẩm là nghiên cứu thị trường để hiểu được khách hàng và để trắc nghiệm một cách hệ thống những ý tưởng và giả thiết. Việc nghiên cứu thị trường còn có vai trò đảm bảo rằng giá trị cộng thêm xứng đáng với cái giá cao hơn giá của những sản phẩm cạnh tranh.
2. Cung cấp giá trị thấy được.
Giá trị cộng thêm đó phải được khách hàng thấy được. Thông tin phải đến được khách hàng, thông tin phải dễ nhớ và có thể tin được.
In lên nhãn cái giá trị cộng thêm là một cách để người mua dễ nhớ, dễ hiểu và dễ tin. Nhãn hiệu Mr. Goodwrench đã giúp GM thông tin đến khách hàng chương trình phục vụ của mình. Nhãn hiệu Resolution Enhacement đã giúp HP mô tả sự cải tiến chỉ có trong nghề mới biết được của sản phẩm máy in Laser Jet.
Vấn đề giá trị thấy được đặc biệt rất quan trọng trong trường hợp khách hàng không có khả năng thẩm định được nó. Thí dụ như độ an toàn bay, như sự khéo tay của nha sĩ. Để thẩm định giá trị này khách hàng chỉ biết trông vào những tín hiệu. Do vậy công việc của doanh nghiệp là quản trị tốt những tín hiệu này, hiệp hội người tiêu dùng và fnhững lời phát biểu trong các chương trình quảng cáo có thể giúp ích. Oral B là bàn chải mà các nha sĩ khuyên dùng là một thí dụ. Michael Jordan đi Air Jordan là một thí dụ.
3. Khó bắt chước.
Điểm khác biệt phải được dài lâu, nghĩa là khó bắt chước. Có thể kết hợp trọng điểm hiệp đồng và trọng điểm quyền ưu tiên để tạo ra tính lâu bền cho chiến lược khác biệt.
Nếu điểm khác biệt xuất phát từ một nỗ lực toàn diện của tổ chức cùng với tài sản và năng lực của nó thì để bắt chước được không phải là dễ và rất tốn kém, nhất là khi điểm khác biệt đó có tính chất năng động, không ngừng biến hoá. Microsoft là một tổ chức sáng tạo và đầu tư nặng vào khâu R & D nên không thể nào bắt chước.
Các đối thủ mới bắt chước cần phải có khả năng vào có quyết tâm. Do đó việc tăng đầu tư hoặc tăng tính mạo hiểm sẽ làm đối thủ phải nản lòng. Thí dụ có nhiều điểm khác biệt quá thì bắt chước phải tốn kém lắm. Xe hơi Saturn có nhiều điểm khác biệt, đó là miễn trả giá, đáng tin cậy, an toàn quyết tâm.

Khi doanh nghiệp chinh phục thị trường mới

Khi nào thì doanh nghiệp nên vươn ra nước ngoài? Mở rộng thị trường quốc tế đòi hỏi sự sáng suốt để những tham vọng mù quáng không phá hỏng các cơ hội vàng của doanh nghiệp.
Khi nào thì nên vươn ra nước ngoài? Và khi đó doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị gì để giảm thiểu rủi ro? Mở rộng thị trường quốc tế đòi hỏi sự sáng suốt để những tham vọng mù quáng không phá hỏng các cơ hội vàng của doanh nghiệp.
Có 3 nguyên tắc cơ bản mà bất kể DN nào đang nỗ lực mở rộng ra thị trường quốc tế cũng cần nắm chắc:
1. Xác định mục tiêu
Hãy tìm kiếm những thị trường có tính tương đồng với môi trường kinh doanh hiện tại. Một công ty ở Mỹ khi nhảy vào thị trường ở những quốc gia nói tiếng Anh sẽ gặp ít rào cản hơn so với những quốc gia không nói tiếng Anh.
Ở những thị trường có sự tương đồng về văn hóa với thị trường gốc nơi DN đang hoạt động sẽ không đòi hỏi DN phải điều chỉnh chiến lược nhiều.
Tuy nhiên, lãnh đạo DN phải xác định được mình muốn một thị trường dễ thâm nhập hay một thị trường tiềm năng, từ đó mới xác định chiến lược. Chẳng hạn, nếu dựa vào dân số thì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất hiện nay, nhưng các công ty không sử dụng tiếng Trung sẽ rất khó có thể thâm nhập vào đây.
2. Nghiên cứu sâu về thị trường mục tiêu
Là một người lạ vừa đặt chân vào một thị trường mới, công ty cần tận dụng mọi nguồn thông tin liên quan có được để gia tăng sự hiểu biết khi xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường.
Nguồn đầu tiên là mối quan hệ chiến lược với những đối tác đã thông thạo môi trường kinh doanh ở quốc gia đó. Ví dụ, các công ty chế tạo phần cứng, cung ứng thiết bị tiêu dùng sẽ cần những đối tác sản xuất trong bước đầu thâm nhập thị trường mới. Các công ty phát triển ứng dụng điện thoại sẽ cần đối tác phân phối thiết bị để chinh phục sự chấp nhận của người sử dụng. Thiếu những đối tác chiến lược này, các công ty sẽ khó tìm được chỗ đứng ở bất kỳ thị trường mới nào.
Nguồn thứ hai là những cá nhân đã từng sinh sống tại thị trường công ty đang nhắm đến. Đây có thể là những nhân viên hoặc những bạn bè, người quen trong mạng lưới mối quan hệ của bạn. Những người khá hiểu biết về thị trường cũng như văn hóa của khu vực đang hướng đến sẽ hỗ trợ công ty mở rộng mạng lưới kết nối, xây đắp những gắn kết đầu tiên.
Nguồn thứ ba là những “chân rết” có nhiệm vụ chuyển các thông tin tại thị trường tiềm năng và quốc tế về cho công ty. Hầu hết những công ty đang dẫn đầu về công nghệ hiện nay đều có những đại diện địa phương ở thung lũng Silicon. Nhiệm vụ của các đại diện này là theo dõi những cải tiến công nghệ mới xuất hiện, thăm dò những nhà đầu tư mạo hiểm và tìm hiểu các giao dịch kinh doanh khác có liên quan đến công ty.
3. Kinh doanh thành công ở thị trường hiện tại
Cuối cùng, quan trọng nhất là công ty phải xây dựng được nền tảng thành công vững chắc tại thị trường nội địa. Đây sẽ là tấm giấy thông hành chất lượng, củng cố thêm sự tín nhiệm của các khách hàng tiềm năng với DN của bạn.
Tóm lại, một chiến lược mở rộng ra nước ngoài tốt là khi khởi đầu bằng nền tảng vững vàng của thành công ở thị trường nội, và một mạng lưới thông tin dày đặc về thị trường tiềm năng. Các quyết định chiến lược phải dựa trên sự nghiên cứu rộng và phân tích sâu về thị trường đó.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, điều cuối cùng bạn cần là chấp nhận mạo hiểm để lên đường mang sản phẩm ra thế giới.

Cà phê dạo hút khách văn phòng

Vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện cà phê pha hóa chất, nhưng những khách hàng trẻ bận rộn dần thích nghi và chấp nhận loại đồ uống do các cửa hàng bán dạo phục vụ, bởi giá rẻ, tiện lợi.
Tại TP HCM, ngoài các quán vỉa hè, cóc, bệt, sang trọng thì mô hình phục vụ tận nơi (alo cà phê) hay cà phê dạo cũng đang nổi lên. Đầu tiên là alo cà phê, thay vì đi mua tận nơi, khách hàng chỉ cần gọi điện đặt, ngay lập tức các nhân viên đi xe máy với thùng đồ nghề pha cà phê phía trên sẽ đến tận nơi giao hàng. Mô hình cà phê lưu động này đang được giới văn phòng ưa thích.

Mô hình bán cà phê dạo giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian.
“Ngại đi xa, nhiều khi trưa nắng cũng làm biếng đi mua, tôi thường hay gọi họ mang cà phê đến cơ quan, vừa tiện lại vừa đảm bảo chất lượng, chứ uống mấy quán vỉa hè cũng thấy không ngon bằng”, anh Mai, một nhân viên văn phòng tại quận 10 chia sẻ. Sau khi gọi, chỉ 10 phút sau, nhân viên bán cà phê tới nơi và thực hiện việc pha tại chỗ để giao cho anh Mai ly cà phê đá với giá 12.000 đồng.
Theo nhân viên bán hàng, họ phục vụ từ 6h sáng đến 6h chiều, thông thường thì có người kêu là phải chạy đi ngay. Trung bình mỗi ngày có thể bán được từ 200-300 ly cà phê.
Ngoài alo cà phê, bán dạo trên xe đạp cũng là cách thức uống quen thuộc này được đến với người dân. “Lúc đầu mình phải đạp xe qua các con đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng… rất cực. Mỗi ngày bán có khi được tới 20 ly”, anh Nguyễn Phước Hải, người bán cà phê dạo kể lại.
Mua một kg cà phê nguyên chất 250.000 đồng một kg, rồi về pha bán với giá 15.000 đồng một ly, anh Hải khẳng định nếu chịu khó đi bán sẽ có lời vì mọi người khá ưa chuộng. Anh đã bỏ ra hơn 5 triệu đầu tư cho các thiết bị như xe đạp, thùng cà phê…
“Được một thời gian, người nhà thấy vất vả quá nên khuyên tôi đừng bán nữa. Hai tháng nay mình đã đi làm ở công ty, dù sao vẫn rất thích việc bán dạo trước đây”, anh Hải chia sẻ.
Trong khi hình thức cà phê bán rong đã có từ khá lâu tại TP HCM thì ở Hà Nội mới xuất hiện từ khoảng giữa năm 2012. Giá mỗi ly cà phê dao động trung bình từ 13.000 đến 15.000 đồng, số ít có mức giá 10.000 đến 12.000 đồng, đi kèm với các loại đồ uống khác để tăng khách hàng. Hầu hết các quầy lưu động đều đặt gần các khu nhiều văn phòng.
Có ưu điểm là mức giá rẻ và giao hàng tận nơi, chỉ cần khách có yêu cầu, nhưng chất lượng cà phê của loại hình bán hàng này khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại, do thị trường lẫn lộn cà phê giả, pha ngô, đậu và hóa chất.
Anh Thanh, một dân văn phòng thường xuyên uống cà phê cho biết: “Tôi không tin chuyện ly cà phê 10.000 – 15.000 đồng nguyên chất 100%. Khoảng 250.000 đồng một kg, phải pha 17 đến 25 ly cà phê mới mong hòa vốn chưa kể đến chi phí hoạt động, lương nhân viên, khó tính đến lãi được”.
Biết vậy nhưng vì thói quen, anh Thanh cũng như nhiều người làm văn phòng khác vẫn làm khách hàng khá thường xuyên của các quầy lưu động. “Hàng nào uống thấy ‘thật’ nhất thì mình gọi thôi, bây giờ ngay cả cửa hàng cũng có nơi bán hàng pha, nói gì quầy đi dạo”, anh chia sẻ.
Tuy có nhiều điểm tiện lợi cho khách, chất lượng của cà phê dạo vẫn khiến nhiều người dùng e dè. Ảnh: Anh Quân
Công ty Balo kinh doanh doanh cà phê lưu động này từ cuối năm 2011, đối tượng cạnh tranh chủ yếu là các quán cóc, vỉa hè và cà phê không rõ nguồn gốc đang tràn lan hiện nay.
“Chúng tôi lấy 100% robusta, mang về xay rồi pha phin đem tới tận nơi pha chế bán cho mọi người. Ngày nào lúc 4h sáng là nhân viên đã đem cà phê ra xay để phục vụ việc bán hàng trong ngày, mỗi tháng có khi phai dùng đến 100 kg cà phê hạt”, ông Phạm Hoài Ngọc, Giám đốc Balo cà phê nói.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh cà phê, nếu đơn vị nào dùng hàng nguyên chất để bán, với giá chỉ từ 12.000 đồng một ly trở lên thì cũng đã có khoản lãi khá lớn bởi “quầy di động không tốn nhiều kinh phí đầu tư như cửa hàng, dễ dàng đổi địa điểm kinh doanh nếu thấy kém hiệu quả”. Vị này cũng cho biết, giá một kg cà phê hạt tốt có thể dao động từ 140.000 đồng trở lên, loại ngon thì mới có giá đến 240.000 hoặc hơn.
Anh Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Arobi Coffee miền Bắc cho biết một kg cà phê có thể pha được trên 30 cốc. Quầy lưu động của hãng tận dụng được nguồn hàng do chính đơn vị bán ra nhưng khoản chi phí dành cho ly dùng một lần cao (chiếm 10% – 15%) nên lợi nhuận không quá lớn. “Bên nào không mất phí mặt bằng thì số tiền thu về không hề nhỏ”, anh nói.

FPT sẽ tuyển thêm hơn 90.000 nhân viên vào năm 2020

FPT đang có tham vọng sẽ tuyển thêm 93.000 nhân viên trong hơn 5 năm tới đây. Đây là tham vọng nhân sự đến năm 2020 của Tập đoàn FPT. Con số tuyển thêm này gấp 5,5 lần số lượng nhân viên FPT hiện tại – 17.000 người.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm lập nghiệp diễn ra chiều 5/4, Chủ tịch CTCP FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT năm 2020 sẽ có 100.000 nhân viên, phần đa các nhân viên này sẽ đảm nhiệm công việc “cửu vạn” – tức dịch chuyển từ nền tảng công nghệ cũ sang nền tảng công nghệ mới.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Ngọc Minh.
Thời đại công nghệ thông tin đã trải qua các giai đoạn Máy tính lớn (Mainframe); giai đoạn 2: máy chủ, máy trạm; và FPT cho biết, năm 2012 là cuộc cách mạng SMAC – tên gọi tắt của các từ Social – Mạng xã hội, Mobile – Công nghệ di động, Big Data/Analytics – Dữ liệu lớn, Cloud – Điện toán đám mây.
“Người ta nói với chúng tôi rằng đến 2015, người ta dừng sản xuất các máy chủ, máy trạm, tức là máy tính cá nhân ko sản xuất nữa. Như vậy, nếu ngừng sản xuất, tất cả sẽ chạy sang SMAC và quá trình chạy này dự tính là 2 năm. Đây là một cuộc dịch chuyển khổng lồ chưa từng có. Tất cả những gì chúng ta đang quen sẽ bị gạt bỏ” – ông Trương Gia Bình cho biết.
Trong bối cảnh ấy, FPT dự định là “người chuyển nhà” – dịch chuyển từ nền công nghệ cũ sang nền tảng SMAC. “Giả dụ khách hàng đang ở giai đoạn máy chủ, máy trạm mà muốn chuyển sang giai đoạn SMAC thì ai giúp họ chuyển? Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, chúng ta sẽ học công nghệ từ những người am hiểu trò này để tạo ra hàng vạn người Việt Nam chuyên nghề cửu vạn hạng cao này” – vị Chủ tịch FPT lạc quan.
“FPT sẽ là số 1 về cửu vạn toàn cầu”, ông Bình hài hước. “Chúng tôi muốn Việt Nam là số 1 về Migration (tạm dịch: Công nghệ dịch chuyển – PV). Và như vậy, động lực bây giờ của chúng tôi là khi nói đến công nghệ thông tin phải nói đến Việt Nam”.
Chủ tịch FPT cũng cho biết, với định hướng này, dự tính đến năm 2020, FPT sẽ có 100.000 nhân viên.
Trả lời quan ngại về việc tuyển dụng số lượng lớn như vậy, ông Bình phân tích: Trong nền tảng công nghệ SMAC, hiện khu vực Mobile đang thiếu 3 triệu lao động, khu vực Big Data/Analytics thiếu 3 triệu lao động. Số lượng lao động các khối trong nền tảng công nghệ này càng ngày càng thiếu, không phải thừa.
“Thế giới người ta đang đi quá xa. Hoặc mình đầu hàng, để Việt Nam thành đất nước bị lãng quên, hoặc phải như họ. Khi chúng ta quyết định là cửu vạn toàn cầu thì số lượng tham gia sẽ đông không thể tưởng tượng, có thể nửa triệu người làm việc cho cái dịch chuyển công nghệ này. Đấy là tham vọng của chúng tôi” – Chủ tịch FPT khẳng định.
Đến hết ngày 31/12/2013, tổng số cán bộ nhân viên của FPT là 17.419 người trong đó có 6.500 kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2013, doanh thu FPT năm 2013, đạt 28.647 tỷ đồng (tương đương 1,36 tỷ USD), đạt 106% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.516 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012, và chỉ đạt 95% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.065 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2014, FPT đặt mục tiêu doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 2.700 tỷ, tăng 6% so với năm 2013. Dự kiến đến năm 2016, doanh thu của FPT sẽ tăng gấp 3 lần con số thực hiện được năm vừa qua.

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Tránh bẫy tiêu tiền theo cảm tính

Người mua thường có xu hướng bỏ qua số lẻ trong giá được niêm yết, coi tiền trong thẻ ngân hàng khác với tiền mặt và cho rằng giá cao hơn sẽ đi kèm chất lượng tốt hơn.
1. Coi tiền trong thẻ khác với tiền mặt
thẻ tín dụng
Chi tiêu bằng thẻ khiến người mua có cảm giác không mất tiền ngay. Ảnh: World Of Female
Khi thanh toán bằng thẻ, người mua sẽ có cảm giác tiền mặt không bay khỏi túi ngay lập tức và bị thôi thúc tiêu nhiều hơn. Trong trường hợp này, bạn coi khoản tiền tiêu trong thẻ là một vấn đề tương lai, chứ không phải hôm nay. Các cửa hàng cũng tận dụng cơ chế này trong những chương trình tặng thưởng, khiến chúng ta cảm thấy vừa không phải tiêu tiền mặt, lại được cộng điểm tích lũy hoặc hoàn tiền, từ đó càng chi tiêu nhiều hơn.
Giải pháp trong trường hợp này là đừng bao giờ sử dụng thẻ để tậu những thứ đồ bạn hiếm khi mua. Khi bạn đi mua sắm, hãy lên một danh sách những thứ cần thiết và tập trung vào đó. Bạn cũng có thể rút tiền mặt từ thẻ và cố gắng không tiêu quá số đó.
2. Đánh đồng giá cả với chất lượng
Người mua thường nghĩ rằng khi chi nhiều tiền hơn cho một sản phẩm, bạn sẽ sở hữu sản phẩm chất lượng tốt hơn. Tất nhiên, bỏ nhiều tiền để mua đồ chất lượng tốt hơn không có gì là sai. Ví dụ, tiêu 100 USD để mua đôi giày có thể sử dụng trong 10 năm sẽ hơn là chi 40 USD để mua một đôi giày chỉ đi được 1 năm.
Nhưng đôi khi, điều này cũng có thể đánh lừa bạn. Uri Gneezy – Giáo sư kinh tế và chiến lược tại Đại học California-San Diego, đã tiến hành thí nghiệm tại một xưởng rượu vang. Trên một chai rượu có giá 10 USD, trong vài ngày, ông đã thử dán các mức giá khác nhau, khi là 20 USD, lúc là 40 USD. Kết quả là xưởng rượu này đã bán được gấp rưỡi ngày thường khi dán giá 20 USD và 40 USD. Giáo sư Gneezy cho rằng khách hàng đã đánh đồng giá cả cao hơn với chất lượng ngon hơn.
Vì vậy, hãy nghiên cứu kỹ càng trước khi đưa ra một quyết định mua sắm Và đừng quên hỏi ý kiến những người xung quanh: Liệu họ có cho rằng sản phẩm bạn định mua có chất lượng tốt và xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không?
3. Bỏ qua đuôi 99 trên mác giá
Chúng ta có xu hướng tập trung vào con số bên trái của giá niêm yết thay vì bên phải. Điều này có nghĩa khi người bán đặt giá một sản phẩm là 19,99 USD, bạn sẽ cảm thấy rẻ hơn so với 20 USD. Dù thực chất ta chỉ tiết kiệm được một cent. Cách hữu hiệu để đảm bảo liệu giá đó có thực sự rẻ hay không chính là dùng điện thoại khi đi mua sắm, truy cập internet và so sánh giá của sản phẩm tương tự tại những cửa hiệu khác.
4. Nhìn nhận cùng một khoản tiền theo các cách khác nhau
Giữa một phiếu giảm giá 25 USD khi mua chiếc áo 50 USD và phiếu giảm giá tương tự khi mua một chiếc sofa 2.000 USD – trường hợp nào được coi là tiết kiệm tiền hơn? Theo phóng viên tài chính – Gary Belsky và giáo sư tâm lý Thomas Gilovich tại Đại học Cornell, con người có xu hướng nhìn nhận những khoản tiền giống nhau một cách khác nhau, căn cứ trên quy mô giao dịch hoặc lượng tiền phải chi tiêu.
Điều này có nghĩa với 2.000 USD, chúng ta cho rằng 25 USD ít quan trọng hơn. Nhưng thực chất, cả hai trường hợp bạn đều tiết kiệm được số tiền như nhau. Để tránh bẫy này, bạn hãy đặt nó vào hoàn cảnh. Thay vì nghĩ đó là 25 USD trên tổng giá trị 2.000 USD, hãy tự đặt câu hỏi: Bạn có thể mua gì với 25 USD này? Hoặc nghĩ về thời gian để bạn kiếm được số tiền đó. Bằng việc liên hệ với một sản phẩm cụ thể hoặc lượng thời gian tương ứng, bạn có thể hiểu rõ hơn được giá trị thực của 25 USD và ra quyết định chi tiêu chính xác.

Những cái mất khi mua hàng miễn phí

Hãy tính toán thật kỹ trước khi mua hàng có kèm đồ miễn phí vì dù không trả tiền bạn cũng sẽ phải đánh đổi không gian, thời gian hoặc công sức cho những món đồ này.
Từ “miễn phí” luôn khiến mọi người cảm thấy hào hứng và phấn chấn khi đi mua sắm. Tuy nhiên, dù miễn phí có nghĩa sẽ chẳng mất xu nào, bạn vẫn phải đánh đổi thứ gì đó. Mà trên lý thuyết, tất cả những cái có được nhờ trao đổi đều không phải là miễn phí. Theo US News, dưới đây là những chi phí ẩn bạn sẽ bỏ ra để có những món đồ như vậy.
1. Không gian
Bạn có thể hiểu ra ngay vấn đề nếu liên tưởng đến giá một căn hộ hay miếng đất. Mỗi m2 trong căn nhà bạn đều đáng tiền. Trong khi đó, phần lớn các mặt hàng khuyến mãi, tặng kèm đều dễ gây ra tình trạng lộn xộn và làm rác căn phòng. Đừng đánh giá giá trị của một sản phẩm chỉ vì chúng miễn phí. Bởi vì bạn vẫn sẽ cần địa điểm để chứa những món đồ này.
2. Thời gian
Các đồ không mất tiền luôn có chi phí thời gian rất cao. Bạn có thể được nhận một đồ nội thất miễn phí, nhưng sẽ vẫn phải bỏ thời gian đến tận nơi lấy nó về. Hay hàng bánh nào đó phát sản phẩm miễn phí, thì bạn sẽ phải lái xe tới và xếp hàng. Thay vào đó, hãy tận dụng thời gian để làm việc, ra ngoài chơi, nấu bữa tối hay đơn giản dành thời gian cho gia đình.
3. Tiền
Kể cả đồ miễn phí cũng sẽ có chi phí này, phổ biến nhất là vận chuyển. Nếu phải ra ngoài lấy sản phẩm, bạn không chỉ mất thời gian, mà còn tốn tiền xăng hay vé xe công cộng. Nếu sản phẩm đó quá lớn, bạn có thể phải thuê xe tải hay nhân viên bốc vác nữa.
Một số đồ dùng thậm chí còn ảnh hưởng đến ngân sách hàng tháng của bạn. Được tặng một chiếc máy tính bảng hay điện thoại di động sẽ khiến bạn phấn khích. Nhưng điều đó cũng có nghĩa bạn sẽ tốn thêm chi phí để sử dụng những đồ này.
4. Công sức
Những món đồ, dù miễn phí hay không, đều cần bảo dưỡng, lau chùi, nâng cấp hay sửa chữa. Bạn cũng sẽ mất thêm công hiến tặng hay bán đồ sau khi đã chán.
5. Thông tin cá nhân
Ban đầu, bạn sẽ chẳng cảm thấy mất mát gì khi cung cấp địa chỉ email, cho đến lúc ngập trong đám thư rác hàng ngày. Điều đó có đáng đánh đổi chỉ để lấy một lọ nước hoa dùng thử hay không?
6. Sức khỏe
Đồ ăn miễn phí sẽ không chiếm dụng không gian của bạn. Tuy nhiên, phần lớn chúng đều là đồ ăn nhanh và không có lợi cho sức khỏe, như pizza hay bia.
Vì vậy, hãy coi những món đồ miễn phí như sản phẩm mất tiền bình thường. Vì dù không phải trả tiền, bạn cũng sẽ phải đánh đổi thời gian, công sức hay không gian cho chúng. Hãy cân nhắc thật kỹ về giá trị của những món đồ này trước khi ra quyết định.

Doanh nghiệp đang kéo nhau chết do nợ lòng vòng

Chủ đầu tư đang nợ với con số lớn, tổng thầu nợ thầu phụ, thầu phụ khất lần đơn vị cung ứng vật tư dịch vụ… và tất cả lại đang bị ngân hàng thúc ép. Lẩn quẩn trong vòng vây nợ nần, nhất là trong ngành bất động sản, đang khiến các Doanh nghiệp đứng trước hoàn cảnh cùng nhìn nhau chết chìm.
Mùa ĐHCĐ 2014 của các DN xây dựng đang nóng lên vì số nợ phải thu hồi quá lớn. Số tiền phải thu về ở nhiều DN thậm chí còn lên đến 30% trên tổng tài sản.
Thống kê 10 DN xây dựng đang niêm yết có doanh thu lớn nhất năm 2013 cho thấy, tổng các khoản phải thu đang tồn đọng là 19.550 tỷ đồng. Một nửa số DN này có tỷ lệ phải thu/ tổng tài sản vượt quá 30%.
Doanh nghiệp đang kéo nhau chết do nợ lòng vòng 
Mới đây, hầu hết các công ty thành viên của Vinaconex đang niêm yết đã tổ chức ĐHCĐ 2014. Trong đó, việc tồn đọng công nợ lớn đã làm nhiều DN điêu đứng. Số nợ này đã kéo lợi nhuận sụt giảm đáng kể. Thống kê từ báo cáo tài chính năm 2013 của 10 công ty thành viên cho thấy tổng các khoản phải thu ngắn hạn là 2.580 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản của các công ty này. Nhiều công ty có tỷ lệ phải thu trên tổng tài sản cao như VC5, VCC (60%); VC6, V15 (40%)…
Việc các công ty con đang khó xử với khoản tiền phải thu hồi trong ngắn hạn khiến Vinaconex phải gánh hàng nghìn tỷ đồng công nợ trên báo cáo tài chính hàng năm. Mới đây nhất, Vinaconex phải ghi nhận 5.712 tỷ đồng phải thu trên báo cáo năm 2013, trong đó các khoản phải thu khách hàng chiếm 4.416 tỷ đồng.
Báo cáo của các công ty con này đều cho biết tình hình thu hồi công nợ chậm và không hiệu quả do các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, nguồn vốn do công ty ứng trước từ NH đang gây áp lực cho tình hình tài chính của công ty.
Trong danh sách 10 DN xây dựng có doanh thu lớn nhất, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (PVX) cũng phải gánh dư nự trong ngắn hạn hơn 4.100 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu khách hàng là 1.308 tỷ đồng. Tuy nhiên việc thu hồi vốn của PVX còn dự báo là khó khăn hơn rất nhiều vì hầu hết cá dự án PVX trúng thầu đều sử dụng nguồn vốn từ ngân sách. Do đó, việc thu hồi nợ của PVX phụ thuộc nhiều vào tiến độ giải ngân các nguồn vốn này.
Doanh nghiệp đang kéo nhau chết do nợ lòng vòng
Nếu các DN nhà nước khó khăn thu hồi công nợ vì tiến độ giải ngân cho dự án thì DN tư nhân cũng đau đầu với công nợ đã chiếm tỷ lệ khá lớn trên tổng tài sản.
Cụ thể Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Conteccons (CTD) đang dẫn đầu về tình trạng công nợ tại các dự án mà họ trúng thầu. Sau một nhiều năm trúng thầu liên tục các dự án liên doanh lớn thì hai DN này cũng đang đọng hàng nghìn tỷ đồng phải thu trong báo cáo tài chính gần nhất.
Theo báo cáo tài chính 2013, CTD hoạch toán khoản phải thu lên đến 2.036 tỷ đồng, chiếm 44,5% tổng tài sản. Như vậy gần một nửa tài sản của CTD đang nằm ở những dự án xây dựng.
Hầu hết các khoản phải thu đến hạn từ các dự án xây dựng công nghiệp như SC Vivocity, NM Gain Lucky, VP Viettel, NM Brotex… Đây đều là các dự án của doanh nghiệp ngoài quốc doanh nên việc thu hồi công nợ của CTD phụ thuộc vào nguồn tín dụng giá rẻ (do lãi suất giảm) và khả năng phục hồi của thị trường nói chung. Chỉ tính riêng hai dự án liên doanh là SC Vivocity và NM Gain Lucky con số công nợ phải thu đã lên trên 2000 tỷ đồng
Tỷ lệ công nợ trên tổng tài sản của HBC còn khủng khiếp hơn khi tính đến cuối năm 2013, khoản phải thu của công ty lên đến 3.011 tỷ đồng, chiếm 63,3% tổng tài sản. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng và theo hợp đồng xây dựng là 2.592 tỷ đồng. Công ty có thể hy vọng vào thị trường năm 2014 nhưng rủi ro chậm thanh toán của HBC vẫn hiện hữu. Khoản phải thu chiếm đến 63,3% tổng tài sản là tỷ lệ đáng báo động của một công ty trong ngành xây dựng.
Trong năm nay, HBC vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 42% và lợi nhuận tăng gấp đôi năm 2013. Tuy nhiên nếu thi công các dự án mà không thu hồi được các khoản phải thu, HBC sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài và chịu áp lực lãi vay.
Đến thời điểm này, các tổng công ty xây lắp đều trở thành chủ nợ bất đắc dĩ. Hầu hết các chủ đầu tư đều là con nợ.
Tình trạng B nợ A (chủ đầu tư nợ nhà thầu) trở nên phổ biến với mức nợ lớn, dây dưa kéo dài nhiều năm. Để trở thành nhà thầu, doanh nghiệp đều phải tìm cơ hội thông qua đấu thầu xây dựng các dự án. Sau khi thắng thầu, vì chủ đầu tư khó khăn về vốn nên nhà thầu buộc phải tự huy động kinh phí thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết. Không thu được khoản vốn đã “ném” vào dự án các nhà thầu gánh chịu sức ép lớn và nguy cơ đổ vỡ là đe dọa lớn nhất