Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Công sở lao lên… kiếm tiền Tết qua Facebook

Có gì bán nấy
"Mạng xã hội Facebook ở Việt Nam ngày càng trở thành một cái "chợ online" -một nhận xét của nhiều người gần đây quả là không sai. Và nó càng nhộn nhịp hơn vào những dịp lễ, Tết cuối năm như thế này bởi cơ man nào là đồ được trưng lên, quảng bá sản phẩm.
Đóng góp cho cái chợ này, không thể không kể đến lực lượng hùng hậu: nhân viên các công ty, công sở.
Chị Hà (Mê Linh, Hà Nội), một chủ shop quần áo bán trên Facebook cho biết, năm kia, từ một gợi ý của người bạn, chị đã thử rao bán quần áo trẻ em dịp Tết, không ngờ lại thu hút được nhiều người mua quá nên "ham". Từ chỗ chỉ định buôn bán mùa vụ, giờ đây chị chọn đó là hình thức kinh doanh dài hạn và cung cấp cả quần áo, giày dép cho người lớn.
Là nhân viên nhân sự cho một công ty công nghệ, lúc rảnh rỗi chị lại tự chụp hình từ chính những khách hàng tới thử đồ để cập nhật lên mạng.
Giờ thì cứ đang sốt gì hoặc mùa nào thức nấy, chị bán kèm thêm. Sát tết, chị chọn thêm ít bưởi Diễn để bán, khách hàng mua rào rào.
"Cái khó ló cái khôn thôi, những năm trước còn trông chờ vào đồng tiền thưởng Tết. Năm ngoái, năm nay, thưởng Tết "hẻo" quá tới mức động chạm tới như một sự tủi thân cực độ. Nên thôi, coi như việc buôn bán này là coi như bù lấp khoản thưởng Tết vậy" - chị Hà chia sẻ.
Với sự tiện lợi của Facebook: cập nhật, kịp thời, bạn bè "tụ hội" trên đó đông, thế là gỉ gì gì gi, tất tần tật mọi thứ đều có thể được dân công sở bê lên.
Từ cam Vinh, bưởi Diễn, cam Canh, tới hoa quả ngoại, từ quần áo hiệu "Made in Việt Nam" tới các thương hiệu thời trang bình dân hay nổi tiếng thế giới, từ quần áo, giày dép, vỏ bọc điện thoại, tới phong bao lì xì… Nhưng, chiếm đa số và áp đảo nhất là các thực phẩm phục vụ dịp Tết như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, giò, chả, bánh chưng, các hộp quà Tết bọc sẵn, các loại hạt để ăn trong ngày Tết như óc chó, hạnh nhân, hướng dương, hạt dưa… 
Mỗi nhân viên công sở lại thành một người buôn bán đa năng: tự chụp hình, tự kiếm mẫu, tự điều chỉnh ánh sáng… để kiếm được khuôn hình đẹp cho sản phẩm của mình rồi tung lên Facebook. Rồi lại tự mình viết lời quảng cáo cho sản phẩm, tự mình nhận đơn hàng, thuê nhân viên giao hàng, điều động hàng…
“Trăm thứ việc lặt vặt từ mua túi nilon tới làm nước chấm, điện thoại thì liên tục phải nghe với đủ thứ thắc mắc, kiểm tra Facebook cũng liên tục để nhận đơn hàng… Nhưng bù lại, công việc làm tạm này dạy tôi tính kiên nhẫn, thậm chí còn cười nhiều hơn để không làm ảnh hưởng tới “thượng đế” – chị An, người lấy nem thính từ Nam Định lên Hà Nội bán, cho biết.
Còn chị Linh, nhân viên kế toán một công ty thiết kế tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, công ty đã chỉ trả trước 1/2 lương cả năm nay rồi nên cận Tết cố kiếm thêm chút tiền.
Chị kể, hồi SaPa, Lào Cai có tuyết rơi, cả nhóm bạn lên đó chơi, được vài người bạn Hà Nội nhờ đặt mua hạt hạnh nhân rừng, óc chó nên đã nảy ra ý tưởng kinh doanh. Cộng với sự hỗ trợ đắc lực của Facebook, thế là công việc “làm bà chủ” của Linh bắt đầu.
Thế là sau vài cú điện thoại để lấy mối hàng, Linh đã quyết định… đánh hàng về Hà Nội. 80 kg tất cả các loại: hạt dẻ, óc chó, hạnh nhân rừng với 15 triệu cả tiền hàng và công vận chuyển về Hà Nội.
Cũng từ ngày đó, Facebook của Linh và những người bạn của cô tràn ngập hình ảnh hạt… óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ. “Nhiều tới nỗi… ám ảnh”- Linh vui vẻ kể.
Buôn trên Facebook cũng lắm công phu
Dường như, trên trang mạng được đông người sử dụng nhất tại Việt Nam thời điểm này đang hình thành một thế hệ mua sắm Facebook, tạo thành một chu trình hoàn hảo. Ai thiếu đồ ăn, có nhà cung cấp đồ ăn uy tín, ai muốn đặt bánh chưng, có bánh chưng, ai muốn mua quần áo, có quần áo chuyển tận nơi; ai thiếu giày dép, có giày dép… Và tạo thành một chu trình khép kín, các gia chủ tự cung cấp cho nhau và cung cấp cho khách hàng, rất tiện lợi.
Tuy vậy, nghề buôn hàng chớp nhoáng dịp Tết trên Facebook cũng lắm công phu.
Chị Linh kể, khi về tới Hà Nội và đăng trên Facebook bán hàng mới hay là đã bị một người bạn… hít le, cạch mặt, không chơi nữa.
Hỏi ra thì người bạn đó cũng đang lấy loại hạt này về bán và không vui khi mình bị bạnmình cạnh tranh. “Thương trường khốc liệt phết”- Linh hài hước nói.
Cũng do lần đầu kinh doanh, lãi cứ bị cụt dần bởi những thứ trời ơi.
“Mình phải mất 20kg các loại hạt là những người trong cùng công ty nhờ mua hộ nên chỉ lấy giá gốc và chia tiền vận chuyển. Vậy là ¼ số hàng mình làm không công và lượng khách thì bị giảm đáng kể”- Linh rầu rĩ than.
Đó là chưa kể, do khâu quảng bá trên Facebook cũng không chuyên nghiệp, phần quảng cáo có tính chi phí giao hàng (ship) bị rớt xuống dưới, thế là khách không đọc được. Vậy là coi như đi bán rong.
Hiện giờ số hàng cũng còn kha khá vì ai cũng hẹn tới Tết lấy nên Linh đang ngồi như trên đống lửa, “tiền hàng vay của công ty, bán không hết thì “vỡ mồm”. Không được một vài triệu ăn tết thì chắc phải ăn hạt qua Tết trừ bữa”- Linh trào phúng.
Với chị An – người lấy nem thính Nam Định lên Hà Nội bán vào dịp Tết cũng méo cả mặt. Do tính toán không kỹ lưỡng, giá bán ra quá thấp khiến tuần đầu tiên bán được vài chục kg nem thính nhưng lại lỗ thảm hại.
Thế là lại phải trình bày với những khách hàng trên Facebook về “sự cố kém cỏi” của gia chủ để mong khách hàng lượng thứ khi tăng giá bán.
Chị kể, buôn bán trên Facebook nhiều lợi thế thật nhưng đôi lúc cũng rất phiền toái, đặc biệt với những kẻ mới chập chững bước vào “nghề”.
“Tôi tận dụng Facebook cá nhân để rao hàng nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng áy náy vì cứ thi thoảng lại phải cập nhật thông tin đặt nem lên đó. Bạn bè đọc lúc nào cũng thấy toàn nem là nem, ăn ăn uống uống nên rất ái ngại. Năm sau mà làm chắc tôi phải lập một trang riêng”- chị An chia sẻ.
Chị cũng cho biết thêm, Facebook tuy là cái chợ khổng lồ nhưng cũng là cuộc chơi mang dấu ấn cá nhân của nhiều người. Nhiều người lên đó chỉ để thể hiện các cảm xúc cá nhân, cá tính của gia chủ. “Thi thoảng mình cập nhật lên vài câu than thở, một trạng thái tinh thần của mình lúc đó nhưng khách hàng không quan tâm cứ lao vào hỏi nem bao nhiêu tiền/nắm, nước chấm ra làm sao… Thế là cảm xúc rơi đánh vèo, thấy mình tội nghiệp quá chừng, chỉ vì muốn kiếm thêm vài đồng tiêu Tết mà nhiều lúc thấy cũng tủi thân”- Chị An kể kinh nghiệm từ bản thân.
Cũng nhiều người cảm thấy phiền toái và ngán ngẩm khi mở Facebook ra là hàng loạt những hình ảnh, thông tin các loại đồ ăn quảng cáo bị “tag” – đính kèm vào Facebook của mình…/.