Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Phá sản vì kinh doanh quần áo thời khó khăn

Tài sản chị Liên thanh lý gồm hàng chục máy may, máy in công nghiệp, máy dập khuôn, máy là, máy giặt... trị giá hàng trăm triệu đồng và đất đai nhà xưởng. "Cách đây 4 năm khi mới mở một hai cửa hàng quần áo, tôi kinh doanh rất tốt nên mạnh dạn vay nợ mở rộng thêm sang mảng sản xuất", chị Liên kể. Công việc suôn sẻ trong hai năm đầu, nhưng sau đó càng làm càng lỗ.
Nhất là trong năm 2013, chị cho biết việc sản xuất và bỏ sỉ quần áo thua lỗ trầm trọng. Trước đây chị có thể sản xuất 5.000 chiếc mỗi mẫu, thì đến 2013 co hẹp còn 1.000, 2.000 chiếc mà vẫn không bán hết. Có thời điểm lượng hàng tồn đọng lên gần 2 tỷ đồng. Chị phải sang nhượng hầu hết cửa hàng bán lẻ, tập trung vào việc thanh lý hàng tồn và sản xuất cầm chừng để có việc cho công nhân làm.
Nhiều tiểu thương kinh doanh quần áo lao đao vì khách hàng thắt lưng buộc bụng.
Nhiều tiểu thương buôn bán quần áo cũng đang than thở về tình hình kinh doanh khó khăn trong thời gian này. Chỉ có một cửa hàng quần áo, chị Mai, kinh doanh trên đường Xã Đàn, Hà Nội cho biết ở quanh khu vực chị đang kinh doanh, đã có 4 đến 5 cửa hàng phải đóng cửa. Riêng chị, vài năm trước, lúc cao điểm có thể kiếm được hơn trăm triệu đồng lợi nhuận một tháng từ cửa hàng. Còn nay, có những tháng tiền lời từ quần áo chỉ đủ để trả tiền thuê nhà và lương nhân viên.
"Khách hàng cũ không hiểu sao đi đâu hết. Tôi phải tăng chi rất nhiều cho quảng cáo trên mạng, diễn đàn để lôi kéo khách mới. Lượng tiền thu về lại hao hụt nhiều, do phải chi cho quảng cáo, khuyến mãi, giảm giá", chị Mai nói.
Do khách giảm, chị thu hẹp khá nhiều trong công việc kinh doanh. Trước đây một sản phẩm chị có thể nhập về 50 đến 100 chiếc để bán, nay có lúc chỉ dám nhập 10 đến 20 chiếc mỗi mẫu.
Có nhiều yếu tố khiến kinh doanh quần áo rơi vào cảnh khó khăn, các tiểu thương cho biết. Trong đó, thị trường có quá đông người bán trong khi người mua ngày càng giảm hoặc tiết kiệm hơn vì kinh tế khó khăn. Ở Hà Nội, có những con đường chỉ chuyên bán quần áo. Tuy nhiên đa phần đều vắng khách, chỉ ở những nơi treo biển xả hàng, giảm giá sâu mới có đông người vào mua.
Do cạnh tranh lớn, các cửa hàng phải đua nhau hạ giá, tăng cường quảng cáo để thu hút khách. Ngược lại, khách hàng vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng. Quần áo là một trong những thứ đầu tiên họ cắt giảm vì không phải là hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi cho việc buôn bán cũng khiến hàng tiêu thụ chậm. Tại Hà Nội, mùa hè đến muộn hơn mọi năm, không khí lạnh xuất hiện vào cả tháng 5, khiến cho hàng hè tồn đọng hai đến ba tháng không bán được.
Riêng với chị Hoàng Liên, chị cho rằng nguyên nhân chính khiến chị phá sản là mở rộng kinh doanh đúng lúc kinh tế khó khăn. Hàng làm ra nhiều, nhưng khách lại đặt hàng ít đi.
Bên cạnh đó, chị tự thấy mình đã không thức thời thay đổi để phù hợp với thị trường. "Mẫu mã sản phẩm không đa dạng. Về giá cả, bây giờ người ta chuộng hàng rẻ. Đáng lẽ tôi nên cắt bớt nhân công, thay đổi mẫu vải, điều chỉnh quy trình để cắt giảm chi phí", chị Liên rút kinh nghiệm.
Tự nhận là người đã có kinh nghiệm thành công lẫn thất bại, chị Liên cho rằng nếu ai đang định nhảy vào lĩnh vực quần áo, đây không phải là thời điểm tốt để khởi nghiệp. "Dù phá sản nhưng tôi vẫn không bỏ nghề. Khi nào sức mua trên thị trường khá lên, tôi sẽ tiếp tục sản xuất để bán vì đây vẫn là ngành kinh doanh màu mỡ lúc người dân có tiền", chị Liên khẳng định.